PVS: Nắm bắt cơ hội từ cơn sốt vàng đen

PVS: Nắm bắt cơ hội từ cơn sốt vàng đen

(NDH) Với vai trò là công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu của PVN, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS - HNX) trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư trong việc thâm nhập thị trường dầu mỏ có tiềm năng tăng trưởng to lớn tại Việt Nam.

Báo cáo của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho thấy từ nay đến năm 2018, Việt Nam dự kiến sẽ nâng công suất lọc hóa dầu lên gấp ba lần, qua đó giúp thúc đẩy các hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí được thực hiện bởi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các đối tác nước ngoài, đây là những công ty đầu tư vào Việt Nam với quy mô lớn nhằm tiếp cận trữ lượng dầu thô lớn thứ ba tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC).

Do đó, với vai trò là công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí hàng đầu của PVN, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS - HNX) trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho nhà đầu tư trong việc thâm nhập thị trường dầu mỏ có tiềm năng tăng trưởng to lớn tại Việt Nam.

Ngành dầu khí Việt nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn

Với 400.000 thùng/ngày, sức tiêu thụ dầu mỏ bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/2 của Thái Lan và chỉ bằng 1/3 của Indonesia. Thậm chí nhà máy lọc dầu duy nhất hiện đang hoạt động của Việt Nam cũng chỉ cung ứng được 140.000 thùng/ngày, tương đương 1/3 nhu cầu cả nước.

Đây là nguyên nhân chính lý giải cho việc sẽ có 5 nhà máy lọc dầu được đầu tư xây dựng trong giai đoạn từ nay cho đến năm 2020. Đồng thời, do trữ lượng của các mỏ dầu lớn đang nhanh chóng cạn dần, PVN đã và đang tích cực kêu gọi nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí nhằm củng cố nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy lọc hóa dầu và tăng sản lượng dầu thô xuất khẩu.

Với sản lượng sản xuất dầu thô hiện nay, Việt Nam cần 35 năm để khai thác hết trữ lượng dầu thô đã được kiểm chứng, mức cao nhất trong khu vực, điều này cho thấy ngành dầu khí Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

PVS hầu như không có đối thủ cạnh tranh

Là công ty có nguồn lực kỹ thuật vững chắc và năng lực tài chính lành mạnh, PVS gần như độc quyền trong việc cung cấp các loại hình dịch vụ trong suốt vòng đời của một dự án dầu khí.

Công ty cung cấp 84 trong số 90 tàu dịch vụ dầu khí đang hoạt động hàng ngày tại Việt Nam; cung cấp 100% dịch vụ căn cứ cảng dầu khí; cung cấp 90% dịch vụ khảo sát địa chấn; và vận hành 8 kho nổi (5 do PVS sở hữu, 3 thuê ngoài) trong số 12 kho nổi FSO/FPSO đang hoạt động ngoài khơi Việt Nam. Tóm lại, khó có công ty nào có thể đạt được quy mô và phạm vi hoạt động ngang tầm với PVS.

Với giá trị vốn hóa thị trường hiện đạt 901 triệu USD, PVS chỉ đứng sau hai công ty dầu khí niêm yết khác cũng là công ty con của PVN là GAS (vốn hóa 10 tỷ USD) và PVD (vốn hóa 1,3 tỷ USD).

Trong số ba công ty này, trong giai đoạn từ 2015-2019, CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) ước tính lợi nhuận của PVS sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) cao nhất, đạt 11%, do PVS có mức độ tham gia rộng hơn vào các hoạt động thăm dò-khai thác dầu khí thông qua việc cung ứng một chuỗi các loại hình dịch vụ kỹ thuật dầu khí.