PVN đầu tư bị mất vốn ở OceanBank xử lý thế nào?

Đây là câu hỏi được phóng viên đưa ra cho đại diện Bộ Tài chính tại buổi họp báo về tình hình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN thời gian qua và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2015 diễn ra chiều ngày 5/6/2015.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) không trả lời thẳng vào câu hỏi tuy nhiên ông cho biết: Việc đầu tư dẫn đến mất vốn nhà nước, các luật hiện nay đã có quy định trách nhiệm cụ thể, tùy từng mức độ sai phạm sẽ có hình thức xử lý nghiêm minh.

Tuy nhiên, việc kết luận có mất vốn nhà nước dẫn đến phải quy trách nhiệm cá nhân hay không lại phụ thuộc vào tổng số tiền đầu tư đó có bị mất hay không. Bởi lẽ trên thực tế đã gọi là đầu tư thì sẽ có chỗ được chỗ mất nhưng nếu tính tổng thể là có lãi, bảo toàn được vốn nhà nước thì không thể vì một vụ việc đơn lẻ mà quy trách nhiệm được. Những điều này đã được quy định cụ thể trong Nghị định 51 của Chính phủ - Ông Tiến giải thích rõ.

Cũng theo ông Tiến, thực tế nhiều doanh nghiệp sẽ có quỹ dự phòng rủi ro nếu khi thoái vốn thấp hơn giá trị sổ sách nhưng nhưng quỹ đó vẫn cân bằng được thì việc thoái vốn không có vấn đề gì.

Được biết, trước thời điểm NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của OceanBank với giá 0 đồng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) sở hữu 20% vốn OceanBank, tương đương với số tiền là 800 tỷ đồng.