Danh tiếng lớn, thế thụt lùi
Theo báo cáo tài chính quý I/2015, mặc dù doanh thu thuần đạt khá cao trên 2.000 tỷ đồng, (mức đạt cao so với nhiều DN cùng ngành trên sàn niêm yết), nhưng lãi gộp của POM lại chốt con số hết sức khiêm tốn, chỉ đạt gần 50 tỷ đồng và giảm mạnh 41% so với cùng kì năm trước. Nguyên nhân là do giá vốn hàng vốn đã chiếm tới 97% doanh thu thuần. Gánh nặng chi phí lãi vay cùng khoản lỗ khác 7 tỷ đồng khiến POM lỗ tới gần 34 tỷ đồng trong quý. So với mức lỗ 5,6 tỷ đồng của quý I/2014 thì đây là mức lỗ rất cao của DN và là quý thứ 5 POM tiếp tục bị bóng đen thua lỗ đeo ám.
Nguyên nhân thua lỗ của POM, theo DN, là biến động giá nguyên vật liệu và chi phí đầu tư cho nhà máy luyện phôi thép. Giá nguyên vật liệu và chi phí tài chính do hạng mục đầu tư cũng là nguyên nhân được POM giải trình gần như suốt trong các quý lỗ vừa qua, trừ năm 2013 POM giải thích thua lỗ của DN thuộc về lỗi kĩ thuật cháy máy biến áp ở nhà máy Pomina 2. Thực tế trong năm 2013 và 2014, POM đã nỗ lực vật lộn với giá nguyên vật liệu đầu vào (giá vốn hàng bán) với ba nguyên vật liệu đầu vào chính là thép phế, than và điện và gánh nặng lãi vay do đầu tư nhà máy lớn nhất Đông Nam Á.
Mặc dù sở hữu nhà máy luyện phôi thép lớn nhất VN, và nhà máy lớn nhất Đông Nam Á với vốn đầu tư 300 triệu USD đã đi vào vận hành, song lỗ lũy kế năm 2013 là 193,31 tỷ đồng và 2014 lỗ 28,71 tỷ đồng vẫn khiến cổ phiếu POM bị HoSE đưa vào diện cảnh báo hồi đầu năm.
Theo tiến trình… thua lỗ đó, việc POM tiếp tục lỗ quý thứ 5 với - 33,9 tỷ đồng tính đến 31/3/2015, trở thành ám ảnh của các nhà đầu tư, cổ đông của POM. Có thể ví thông tin POM lỗ quí đầu 2015, như một "gáo nước lạnh" dội tắt kì vọng của nhà đầu tư đối với POM về khả năng phục hồi của cổ phiếu này nói riêng, và về sức khỏe của DN ít nhất trong thời gian ngắn của năm nay. Đặc biệt nhà đầu tư sẽ càng thất vọng khi đặt POM lên bàn cân trên thị trường, POM đang ở vị trí top 3 với một thị phần và danh tiếng không nhỏ nhưng lại đang "lép vế" về kết quả kinh doanh, trước sự tiến lên "ngời ngời" của một DN đầu ngành thép khác, ví dụ Thép Hòa Phát hoặc Hoa Sen Group.
Theo CV số 2/BGĐ kí ngày 9/4/2015, giải trình kết quả 2 năm thu lỗ liên tiếp và phương án khắc phục năm 2015, POM vẫn đưa ra hai nguyên chính cho kết quả lợi nhuận âm như đã nêu là "Nhà máy luyện phôi thép có chi phí đầu tư lớn nhưng sản lượng chưa đạt yêu cầu do chi phí khấu hao và chi phí lãi vay cao". Cùng với đó, POM nêu "năm 2014, Cty đã có những hành động khắc phục lỗ rất nhiều nhưng thị trường giá nguyên liệu biến động mạnh cụ thể từ 1/1/2015 giá quặng giảm trên 50% còn giá phế giảm tới 40% là nguyên nhân chính gây lỗ".
Có thể thấy theo giải trình, "lỗi" thua lỗ không hoàn toàn thuộc về POM, mà có phần thuộc về những yếu tố biến động giá nguyên vật liệu đầu vào từ thị trường quốc tế. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng, nếu như POM không chọn đầu tư nhà máy POM 3 với quy mô vốn đầu tư khủng (cơ cấu vốn đầu tư chủ yếu bằng nợ vay dài hạn), thì DN đã không chật vật quá mức với chi phí lãi vay.
Liệu có... lạc quan suông?
Nhiều DN VN lao đao trong giai đoạn từ 2010 cho đến nay do không thể hình dung được khủng hoảng đến suy thoái kinh tế thế giới bất ngờ và tác động nghiêm trọng đến hoạt động của họ đến như vậy. POM đầu tư nhà máy POM 3 vào đúng 2012, đã là một lựa chọn thời điểm bất lợi. Càng bất lợi khi DN không có phương án "đầu ra- đầu vào" phù hợp để không bị tác động giá hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường quốc tế "đè bẹp". Chuyện phụ thuộc giá phôi thép thế giới, điều POM vẫn chưa hề chủ động được kể cả khi sáp nhập thêm Thép Việt và đã kéo dài suốt từ 2007 cho đến nay, cũng có thể xem là bất lợi cho DN.
Cũng trong CV 02, POM đưa phương án khắc phục lỗ khá tự tin là POM chắc chắn có lãi năm 2015 vì: "Giá nguyên vật liệu đang ở mức thấp nhất từ 2008 (năm khủng khoảng kinh tế) nên chắc chắn không thể lỗ do giá xuống"; và: "Chi phí tài chính năm 2015 sẽ giảm mạnh do vay dài hạn đã giảm từ 1.200 tỷ đồng xuống còn 750 tỷ đồng năm 2015, công nợ ngắn hạn cũng giảm 30% tương ứng với giá xuống của nguyên vật liệu".
Sự tự tin của POM là có cơ sở. Đặc biệt, cơ sở này có thể được sự cộng hưởng mạnh khi thị trường địa ốc ấm lại, việc sử dụng nguyên vật liệu chính của xây dựng là thép tăng mạnh. POM có thể phát huy sản xuất hết công suất của nhà máy có dây chuyền công nghệ công suất lớn của cả khu vực Đông nam Á, tiết kiệm được hàng chục triệu KW điện mỗi năm, "đảm bảo lượng phôi của ngành thép xây dựng không phải nhập khẩu, ước tính mỗi năm tiết kiệm khoảng 300 triệu USD tiền nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu" - theo như một tính toán của POM khi khởi động nhà máy này.
Dù vậy, sự tự tin của POM trong giải trình cũng khiến nhà đầu tư nhớ lại quyết sách và tính toán của DN đưa ra trong kì đại hội đồng cổ đông 2014. Theo đó, tháng 4/2014, ĐHĐCĐ thường niên của POM đã thông qua kế hoạch năm 2014 với doanh thu thuần 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng và không trả cổ tức. Để có quyết sách với những con số lớn này được thông qua, Ban lãnh đạo POM cũng từng đưa tính toán rất chi tiết trước các cổ đông rằng chỉ trong quý I/2014, Cty chịu lỗ 5 tỷ đồng, các quý sau sẽ có lãi từ 70 - 80 tỷ đồng/ quý.
Thực tế kết quả 2014 đã đi ngược điều Ban lãnh đạo POM tính toán. Những "cam kết" về tương lai cũng dựa trên những con tính và dự báo khiến nhà đầu tư đang hy vọng ban lãnh đạo POM không lạc quan suông. Bởi nếu lạc quan dựa trên những tính toán và dự báo mà... chệch, kết quả kinh doanh của POM vẫn có thể tiếp tục thụt lùi.
Cần lưu ý thêm là bên nguyên vật liệu chính đầu của ngành thép cán nóng là phôi thép mà POM đang phần nào tự chủ được, hoạt động kinh doanh của POM còn phụ thuộc rất lớn giá điện và tỷ giá hối đoái (giá điện liên quan đến đầu vào sản xuất nhà máy và tỷ giá hối đoái liên quan đến nguyên liệu nhập khẩu). Cam kết có lãi của POM theo đó, đã tính hết và đủ tác động của lộ trình tăng giá bán điện của Nhà nước; cũng như, rủi ro về tỷ giá chênh lệch sẽ biến động và thay đổi khi POM vẫn còn khoản nợ vay ngoại tệ rất lớn tại các NH?