Tuy nhiên, ở nhiều thời điểm, cổ phiếu PNJ của Công ty gần như không có thanh khoản. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT PNJ về vấn đề này.
10 tháng đầu năm, PNJ đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm, đâu là lý do đem lại kết quả này, thưa bà?
Nguyên nhân một phần xuất phát từ việc Thông tư 22 quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ chính thức có hiệu lực, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận lợi cho các thương hiệu vàng uy tín như PNJ. Bên cạnh đó, giá vàng thời gian qua giảm 15%, thúc đẩy nhu cầu mua sắm nữ trang. Vì thế, các cửa hàng kinh doanh của Công ty đều có doanh thu khá tốt, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2013.
Bà có thể chia sẻ rõ hơn về con số lợi nhuận ước tính cả năm?
Lợi nhuận sau thuế (chưa hợp nhất) 10 tháng đầu năm của PNJ tăng 82% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm 7%. Doanh thu trang sức bán lẻ tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 94% kế hoạch năm.
Ngoài ra, quý III/2014, PNJ đã thoái vốn khỏi SFC và thu được lợi nhuận tương ứng là 36 tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế tăng 72% so với cùng kỳ, đem lại gần 200 tỷ đồng tiền mặt để bổ sung vốn lưu động trong quý IV.
Như vậy, nếu loại trừ lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn SFC, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động sản xuất - kinh doanh cốt lõi 10 tháng của Công ty đạt 147% so với mức thực hiện năm 2013.
Với kết quả này, ước tính cả năm, lợi nhuận của PNJ sẽ tăng 38% so với cùng kỳ, bằng 119% kế hoạch năm.
Trong đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi đóng góp 86% lợi nhuận sau thuế, 14% từ mảng đầu tư tài chính (bất thường).
Vậy đối với hoạt động kinh doanh vàng miếng thì sao, thưa bà?
Năm 2014, thị trường vàng trầm lắng, biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng miếng chỉ còn khoảng 0,17%, nên không hấp dẫn các nhà đầu tư. Do đó, Công ty đã chủ động thu hẹp mảng này, tập trung nguồn lực vào mảng bán lẻ.
Cái khó của PNJ hiện nay là thiếu hụt nhân sự, liệu có khắc phục được tình trạng này?
Sản xuất, kinh doanh trang sức là một ngành đặc thù. Do đó, với một công ty có quy mô lớn như PNJ (hệ thống phân phối gần 180 cửa hàng, 3.000 khách hàng bán buôn; xuất khẩu ra 5 quốc gia trên thế giới; xí nghiệp nữ trang sản xuất hơn 4 triệu sản phẩm/năm…), thì việc thiếu hụt nguồn nhân lực đủ tâm và tầm là tất yếu. Tuy nhiên, PNJ luôn có kế hoạch đào tạo dài hạn trong 3 - 5 năm tới.
Lợi nhuận tốt, nhưng tại sao nhiều thời điểm cổ phiếu PNJ không có thanh khoản?
Có thể nói PNJ là một trong những cổ phiếu "hiếm" trên thị trường. Cơ cấu cổ đông không phân tán, 49% cổ phần do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ; hơn 45% thuộc về HĐQT, Ban điều hành và cán bộ chủ chốt của Công ty và đều có nhu cầu nắm giữ cổ phiếu PNJ. Tỷ lệ còn lại (khoảng hơn 5%) là quá nhỏ để PNJ có thanh khoản cao.
Mức giá PNJ đang giao dịch trên thị trường được HĐQT Công ty đánh giá là dưới giá trị thực một phần xuất phát từ lý do trên.
Với tỷ lệ cổ đông ngoại nắm giữ đến 49% cổ phần, theo bà, có tạo áp lực cho Công ty?
Là doanh nghiệp cổ phần, nhất là khi có 49% cổ đông ngoại, PNJ chịu áp lực tạo lợi nhuận và chi trả cổ tức cho cổ đông, sự phát triển bền vững cho Công ty. Tuy nhiên, đó là những áp lực tích cực. Trong HĐQT PNJ, hiện có hai nhà đầu tư nước ngoài, họ đã đóng góp rất tốt cho việc xây dựng chiến lược phát triển Công ty.
Liệu tăng trưởng lợi nhuận năm 2015 có bền vững khi sức cầu giảm ngay cả với mảng nữ trang và thị trường cũng không thuận lợi cho việc thoái tiếp các khoản vốn đầu tư ngoài ngành, thưa bà?
Theo tôi, sức cầu của thị trường vẫn rất lớn, vì tâm lý của người châu Á là thích trữ vàng bên cạnh việc dùng làm trang sức. Điều này được chứng minh qua kết quả kinh doanh của PNJ, công suất sản xuất của Công ty không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Đối với lợi nhuận từ thoái vốn các khoản đầu tư ngoài ngành, đây là khoản lợi nhuận bất thường, không nằm trong kế hoạch năm 2015. Tính đến thời điểm hiện tại, PNJ đã thoái vốn được khỏi CTCP Đại Việt, SFC, CTCP Quê Hương Liberty và sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội thoái vốn ở các khoản mục đầu tư không mang lại hiệu quả, nhưng sẽ không thoái vốn bằng mọi giá.