Về kết quả hoạt động kinh doanh trong quý 2/2015, doanh thu thuần của PNJ giảm 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1,718 tỷ đồng. Theo giải trình của PNJ, Công ty cho biết doanh thu giảm do không có khoản hợp nhất từ hoạt động kinh doanh xăng dầu của SFC.
Riêng doanh thu vàng bạc đá quý của PNJ cũng giảm 3% xuống mức 1,708 tỷ đồng. Công ty giải trình hoạt động kinh doanh nữ trang của PNJ tăng 7% cùng kỳ, còn doanh thu vàng miếng giảm 13% so với cùng kỳ năm trước.
Giá vốn hàng bán của PNJ cũng giảm mạnh 36% xuống 1,457 tỷ đồng. Nhờ đó lợi nhuận gộp thu về của Công ty tăng đáng kể 30% với 260 tỷ đồng.
Với hoạt động tài chính, trong khi doanh thu giảm mạnh từ 12 tỷ về 230 triệu đồng thì chi phí tài chính của PNJ tăng mạnh từ 25 tỷ lên 69 tỷ đồng. Theo giải trình, trong quý 2/2015 PNJ đã trích lập dự phòng tài chính khoản đầu tư dài hạn tại DongABank là 45 tỷ đồng. Được biết, tính đến 30/06/2015, đầu tư dài hạn của PNJ vẫn giữ nguyên 460 tỷ đồng, trong đó đầu tư 395 tỷ đồng (38,496,250 cp) vào DongABank.
Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ PNJ đạt hơn 61 tỷ đồng, tăng 3% so với quý 2/2014.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận trước thuế của PNJ đạt 227 tỷ đồng, tăng 23% so cùng kỳ, tương đương khoảng 60% kế hoạch năm. Trong đó, đại diện từ PNJ cho biết mảng trang sức vàng (sỉ, lẻ, xuất khẩu) đã mang lại 75% doanh thu và đóng góp trên 80% lợi nhuận gộp.
Công ty đạt lãi ròng 176 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước. Hàng tồn kho của PNJ đến cuối kỳ tăng 35% so với đầu năm lên 2,261 tỷ đồng.
Mới đây vào ngày 15/08/2015, Tổng giám đốc PNJ - bà Cao Thị Ngọc Dung và Phó TGĐ - bà Nguyễn Thị Cúc đã có cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư tại văn phòng công ty. Xoay quanh các vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa PNJ và DongABank, bà Dung cho biết từ trước đến nay, vốn vay từ DongAbank chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong nguồn vốn vay của PNJ. Công ty không dựa vào nguồn vốn vay từ DongABank, do đó nguồn vốn vay từ DongABank không ảnh hưởng đến hoạt động của PNJ.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn đặt câu hỏi liệu “PNJ có nghĩ đến rủi ro cuối cùng là mất vốn từ DongABank?”, bà Dung cho biết “là nhà kinh doanh và đầu tư tài chính, chúng tôi luôn dự phòng những tình huống rủi ro xấu nhất có thể xảy ra để có phương án trích lập dự phòng theo đúng giá thị trường của các cổ phiếu đầu tư, trong đó có DongABank, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của cổ đông”.
Mặt khác, bà Dung còn nhấn mạnh, từ năm 2012, PNJ đã rất nỗ lực để thoái vốn khỏi những khoản đầu tư ngoài ngành. Những khoản đầu tư này chủ yếu bao gồm Ga Đại Việt, CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC), CTCP Sài Gòn Food… Kể từ 2012, PNJ đã không tăng thêm bất kỳ khoản đầu tư nào vào DongABank.
Về thị phần của PNJ, bà Dung khẳng định: “Theo đánh giá của Hội đồng vàng thế giới vào cuối năm 2014 thì thị phần PNJ là 21%".