Chỉ số công nghiệp Dow Jones có lúc giảm hơn 1.000 điểm trong một phiên có sự biến động kịch tính nhất từ trước tới nay.
Thị trường Phố Wall tiếp nối đà giảm 8,5% của chứng khoán Trung Quốc, gây ra một đợt bán tháo cổ phiếu toàn cầu và khiến giá dầu cũng như các hàng hóa khác suy giảm.
Từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ hầu như có diễn biến tích cực cho đến tháng 8/2015, khi nhà đầu tư ngày càng lo lắng về tình hình kinh tế Trung Quốc giảm tốc, đặc biệt là sau động thái điều chỉnh tỷ giá Nhân dân tệ.
Một số nhà đầu cơ mua vào đầu phiên 24/8 với mục đích bắt đáy đã phải bán vội cổ phiếu ngay trước khi thị trường đóng cửa, góp phần thúc đẩy đà đi xuống của Phố Wall.
Chỉ số Dow Jones trong 3 tháng qua và trong phiên 24/8
Giám đốc điều hành Randy Frederick của Charles Schwab nhận định nếu tình hình Trung Quốc không cải thiện, thị trường chứng khoán Mỹ có thể có một phiên giảm điểm tiếp và chắc chắn nhà đầu tư không muốn giữ cổ phiếu tại mức giá ngày hôm nay.
Trong một động thái bất thường, giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã trấn an các cổ đông về tình hình kinh doanh iPhone tại thị trường Trung Quốc. Cổ phiếu của hãng này đã giảm 13% trong phiên, nhưng sau đó chỉ còn giảm 2,47% khi đóng cửa.
Đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 588,4 điểm, tương đương 3,57%, xuống 15,871,35 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 77,68 điểm, hay 3,94%, xuống 1.893,21 điểm, chính thức bước vào chu kỳ điều chỉnh. Chỉ số Nasdaq giảm 179,79 điểm, tức 3,82%, xuống 4.526,25 điểm.
Tại Mỹ, một chỉ số được coi là bước vào chu kỳ điều chỉnh khi giảm hơn 10% so với mức đỉnh của 52 tuần giao dịch. Chỉ số Dow Jones đã được xác nhận là bước vào chu kỳ điều chỉnh trong phiên 21/8 trước đó.
Chỉ số biến động CBOE Volatility Index, một chỉ số đo lường tâm lý sợ hãi, đã tăng 90% lên 53,29 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 1/2009.
Số liệu của BATS Global Markets cho thấy có đến 1.287 mã cổ phiếu phải tạm ngừng giao dịch phiên 24/8 do đà bán ra quá mạnh, nhiều hơn rất nhiều so với bình thường.
Giám đốc điều hành Philip Blancato của Ladenberg Thalmann Asset Management nhận định nhà đầu tư Mỹ đang hoảng sợ thái quá khi lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ khiến Mỹ suy thoái. Đây là một ý kiến vô lý khi nền kinh tế Mỹ lớn gấp 2 lần Trung Quốc và thị trường Mỹ là một nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng.
Trong phiên này, cổ phiếu ngành năng lượng giảm 5,18% và dẫn đầu mức giảm trong 10 lĩnh vực của chỉ số S&P 500.
Giá dầu thô Mỹ WTI giảm khoảng 5% xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi, giá đồng và nhôm tại thị trường Luân Đôn cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Cổ phiếu của các tập đoàn năng lượng như Exxon và Chevron đều giảm khoảng 4,7%. Tính từ đầu năm đến nay, cả 2 công ty này đã mất khoảng 310 tỷ USD giá trị thị trường.
Đầu phiên 24/8, chỉ số USD giảm 2% xuống mức thấp nhất trong 7 tháng qua do khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào tháng 9 suy giảm. Tuy nhiên, chỉ số này sau đó chỉ giảm 1,67% đóng cửa phiên.
Khảo sát của Tullett Prebon cho thấy số nhà đầu tư nhận định FED sẽ nâng lãi suất vào tháng 9/2015 đã giảm từ 46% trong tuần trước xuống 30% phiên 21/8 và 24% trong phiên này.
Đà bán tháo của Phố Wall cho thấy nhà đầu tư đang lo lắng khi phải mua cổ phiếu với giá cao trong khi tăng trưởng doanh thu của các tập đoàn Mỹ không cao, giá năng lượng giảm và sự không chắc chắn về khả năng FED nâng lãi suất.
Cổ phiếu của công ty Alibaba của Trung Quốc đã giảm 3,49% xuống dưới mức giá IPO, trở thành tập đoàn công nghệ lớn thứ 2 có giá cổ phiếu giảm xuống dưới giá IPO sau Twitter vào tuần trước.