Thâm hụt thương mại tháng 3/2015 của Mỹ đứng ở mức 51,4 tỷ USD và là mức cao nhất trong hơn 6 năm qua, qua đó cho thấy dấu hiệu suy giảm của nền kinh tế.
Chuyên gia chiến lược Alan Gayle của RidgeWorth Investments nhận định rằng báo cáo thâm hụt thương mại có tác động rất tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Theo ông, báo cáo cán cân thương mại và những dự đoán về việc tăng lãi suất là 2 nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chứng khoán Mỹ hiện nay. Ông cho rằng nhà đầu tư lo ngại lợi nhuận tại các công ty đa quốc gia Mỹ sẽ bị ảnh hưởng (bằng chứng là thâm hụt thương mại) từ đồng USD tăng giá (do những dự đoán tăng lãi suất).
Trong khi báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ quý 1/2015 không hoàn toàn khả quan, nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo việc làm tháng 4/2015 để dự đoán thời điểm tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cả 10 nhóm ngành của chỉ số S&P 500 đều giảm. Ngành dịch vụ tiện ích, vốn tăng điểm trong phiên trước đó nhờ cổ tức cao, lại giảm mạnh 2,28% phiên này do nhà đầu tư bán cổ phiếu để chuyển sang mua trái phiếu kho bạc.
Bất chấp việc giá dầu tăng 2%, các cổ phiếu ngành năng lượng vẫn giảm điểm ngày thứ 2 liên tiếp do những lời chỉ trích của nhà đầu tư đối với các công ty khai thác dầu bằng công nghệ Fracking tại Mỹ. Cổ phiếu ngành năng lượng thuộc chỉ số S&P 500 giảm 1,1%.
Cổ phiếu của Apple giảm 2,25% góp phần khiến ngành công nghệ đi xuống. Đóng cửa phiên 5/5, chỉ số công nghệ Nasdaq đã xóa bỏ những thành quả tăng điểm trong 2 ngày qua.
Đón cửa, Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 142,2 điểm, hay 0,79%, đóng cửa ở mức 17.927,2 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,03 điểm, hay 1,18%, xuống 2.089,46 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 77,60 điểm, tương đương 1,55%, xuống 4.939,33 điểm.