Phiên 31/3: Chứng khoán Mỹ giảm điểm, đồng USD tăng giá

(NDH) Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm khi đóng cửa phiên 31/3 nhưng vẫn tăng trong quý 1/2015. Đồng Euro quý này giảm mạnh nhất trong 15 năm qua.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm trong phiên 31/3. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 và Nasdaq vẫn tăng quý thứ 9 liên tiếp.

Đồng Euro trong quý 1/2015 có diễn biến tồi tệ nhất trong 15 năm qua do sự thay đổi trong chính sách tiền tệ và tình hình tại Hy Lạp.

Đây là chuỗi quý tăng điểm dài nhất của S&P 500 kể từ năm 1998 và là chuỗi quý tăng dài nhất từ trước đến nay của Nasdaq. Chỉ số Dow Jones giảm nhẹ trong quý vừa qua.

Trong phiên, cả 10 nhóm ngành của chỉ số S&P 500 đều giảm điểm, dẫn đầu là ngành chăm sóc sức khỏe với mức giảm 1,5%.

Cổ phiếu ngành năng lượng cũng giảm 0,9% khi giá dầu thô giảm.

Giá dầu thô đã chịu áp lực giảm do việc đàm phán hạt nhân tại Iran. Nếu thỏa thuận này thành công, Iran sẽ gia tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ trên thị trường.

Nhà đầu tư cũng tập trung chú ý vào báo cáo việc làm tháng 3/2015 công bố ngày 3/4. Nếu số liệu này khả quan, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ nâng lãi suất sớm hơn dự đoán hiện tại.

Đồng USD tiếp tục tăng mạnh trong quý 1/2015, làm gia tăng lo ngại về lợi nhuận của các soanh nghiệp đa quốc gia. Theo một điều tra của Reuters, dự báo lợi nhuận quý 1/2015 của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 sẽ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đóng cửa phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 200,19 điểm, tương đương 1,11%, xuống 17.776,12 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 18,35 điểm, hay 0,88%, xuống 2.067,89 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 46,56 điểm, tương ứng 0,94%, xuống 4.900,88 điểm.

Tính trong tháng 3/2015, cả 3 chỉ số đều giảm điểm: Dow Jones mất 2%, S&P 500 giảm 1,7%, còn Nasdaq mất 1,3%.

Trong quý 1/2015, chỉ số Dow Jones giảm 0,3%, chỉ số S&P 500 tăng 0,4% và sàn Nasdaq tăng 3,5%.

Đồng Euro giảm 11% so với đồng USD trong quý 1/2015. Trong khi FED được dự đoán sẽ tăng lãi suất trong năm nay thì chương trình kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lại làm giảm giá đồng Euro.

Trong phiên 31/3, đồng Euro đã giảm 0,8% so với đồng USD. Đồng bạc xanh của Mỹ đã có quý tăng giá mạnh nhất kể từ năm 2008 so với 6 đồng tiền chủ chốt khác.

Chỉ số FTSEurofirst 300 Index của Châu Âu giảm 0,7% trong phiên cuối quý 1.

Tình hình nợ tại Hy Lạp vẫn phức tạp khi cả chính quyền Athen và các chủ nợ Châu Âu đều đang bất đồng quan điểm. Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi Hy Lạp cần đẩy nhanh tiến trình cải cách, một điều kiện để nhận được khoản cứu trợ. Trong khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cho biết sẽ không đồng ý với những điều kiện vô lý để nhận viện trợ tài chính.