Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng hơn 1% khi đóng cửa phiên 30/3, sau giảm điểm trong tuần trước. Nguyên nhân chính là do sự phục hồi trong ngành chăm sóc sức khỏe và năng lượng.
Chứng khoán Trung Quốc cũng tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua do các nhà đầu tư kỳ vọng chính phủ sẽ chi tiêu nhiều hơn nữa cho cơ sở hạ tầng và thực hiện thêm các chính sách nới lỏng tiền tệ.
Chỉ số Dow Jones đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 3/2/2015. Cả 10 nhóm ngành chính của chỉ số S&P 500 đều tăng trong phiên này, dẫn đầu là ngành năng lượng tăng 2,1%, dù giá dầu giảm nhẹ.
Các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) doanh nghiệp đã hỗ trợ thúc đẩy thị trường chứng khoán, đặc biệt là những cổ phiếu nhỏ.
Đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 263,65 điểm, tương đương 1,49%, lên 17.976,31 điểm. Sàn S&P 500 tăng 25,22 điểm, tương ứng 1,22%, ở mức 2.086,24 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 56,22 điểm, tương đương 1,15%, lên 4.947,44 điểm.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ đã mất hơn 2% trong tuần trước. Sự không chắc chắn về bản báo cáo việc làm công bố ngày 3/3 và những báo cáo lợi nhuận sau đó của các công ty có thể tạo biến động cho thị trường trong tuần này.
Đồng USD và thị trường chứng khoán thế giới cũng tăng do các hoạt động M&A của ngành dược.
Thị trường chứng khoán Châu Âu đã tăng, với chỉ số FTSEurofirst index của Châu Âu tăng 1,18% lên gần mức 1.596,31 điểm.
Chỉ số MSCI thế giới tăng 0,75%.
Trước đó, Trung Quốc đã công bố một kế hoạch chi tiết đầy tham vọng nhằm nối liền thị trường Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết dự án này có thể tạo ra giao dịch thương mại hàng năm trị giá 2,5 nghìn tỷ USD cho những nước tham gia.
Đồng USD đã tăng trở lại sau khi Chủ tịch Janet Yellen của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhấn mạnh rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu tăng dần lãi suất trong năm nay.