Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm phiên thứ 2 khi các cổ phiếu diễn biến theo sự biến động tỷ giá đồng USD. Nhà đầu tư đang quan tâm đến việc đồng USD tăng giá và ảnh hưởng của nó đến lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ.
Những số liệu về doanh số bán nhà, lạm phát hay chỉ số sản xuất đều cho thấy kinh tế Mỹ vẫn mạnh, nhưng chưa làm thay đổi được dự đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn và mạnh hơn.
Nhà đầu tư đang dự đoán FED sẽ phản ứng thế nào với những chỉ số kinh tế hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể nâng lãi suất vào tháng 6/2015. Thị trường chứng khoán Mỹ đang có xu hướng đi ngược với đồng USD. Một số công ty đa quốc gia đã dự kiến lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực do đồng USD tăng giá.
Chuyên gia David Lefkowitz của UBS nhận định các công ty đa quốc gia sẽ không có lợi nhuận cao như thường lệ trong khoảng thời gian này do giá năng lượng giảm cũng như đồng nội tệ Mỹ tăng giá. Những yếu tố này đã được nhà đầu tư biết rõ nên sẽ không có nhiều ngạc nhiên khi doanh nghiệp công bố báo cáo lợi nhuận. Mặc dù vậy, rõ ràng là hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của các công ty trong quý 1/2015.
Cổ phiếu ngành năng lượng trên sàn S&P đã giảm 0,8% do giá dầu Brent giảm 1,5% khi đồng USD tăng giá so với đồng Euro. Chỉ số Dollar Index của đồng nội tệ Mỹ đã tăng giảm xen kẽ so với một rổ các đồng tiền chủ chốt. Kết thúc phiên 24/3, chỉ số này tăng 0,14%.
Đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 104,9 điểm, tương đương 0,58%, xuống 18.011,14 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 12,92 điểm, hay 0,61%, xuống 2.091,5 điểm. Một chỉ số khác là Nasdaq giảm 16,25 điểm, tương ứng 0,32%, xuống 4.994,73 điểm.
Việc giảm điểm trên sàn Nasdaq được ngăn chặn một phần do sự tăng giá của cổ phiếu Google (tăng 2% lên 577,54 USD). Nguyên nhân là do giám đốc tài chính của Morgan Stanley chuyển qua làm việc cho Google.
Chỉ số chứng khoán FTSEurofirst 300 Index của Châu Âu tăng 0,26% lên 1.604,36 điểm, gần mức cao kỷ lục trong hơn 7 năm qua, khi một cuộc khảo sát cho thấy hoạt động ngành sản xuất trong khu vực Eurozone ở mức cao kỷ lục trong 4 năm qua.
Chỉ số chứng khoán thế giới MSCI giảm 0,21% xuống 432 điểm.
Đồng Euro đã tăng lên 1,1 USD/Euro trong phiên hôm qua, nhưng sau đó lại giảm 0,3% xuống 1,029 USD/Euro.
Barclays nhận định bất kỳ thông tin tích cực bất ngờ nào tại Châu Âu sẽ khiến đồng Euro tăng giá. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra trong ngắn hạn, đồng USD vẫn sẽ tăng giá trong nửa cuối năm 2015.
Đà đi lên của đồng nội tệ Mỹ đã bị điều chỉnh nhẹ sau khi FED giảm dự báo lạm phát và tăng trưởng tại Mỹ, qua đó khiến nhà đầu tư cân nhắc lại thời điểm tăng lãi suất của nước này.
Đồng Franc Thụy Sĩ đã tăng lên mức kỷ lục trong nhiều tuần qua so với các đồng USD, Euro, Bảng Anh. Các chuyên gia phân tích cho rằng chỉ số lạm phát thấp tại Anh đã khiến nhà đầu tư bán Bảng Anh và mua vào Franc.
Trong phiên 24/3, đồng USD đã giảm xuống gần mức thấp nhất trong 1 tháng qua so với Franc, ở 0,95360 USD/Franc. Đóng cửa phiên, đồng Franc giao dịch ở mức 0,95770 USD/Franc.