Sau phiên giảm mạnh ngày 18/3, đồng USD đã tăng trở lại vào phiên 19/3. Báo cáo thiên về hướng nới chính sách hơn dự đoán của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên 18/3.
Giá dầu thô WTI giảm 1,9% và giá dầu Brent giảm 2,6% do đồng USD tăng trở lại cũng như những lo ngại về tình hình dư thừa nguồn cung. Cổ phiếu ngành năng lượng giảm 1,7%.
Chuyên gia Kevin Caron của Stifel, Nicolaus & Co cho rằng việc tăng lãi suất sẽ chậm hơn so với dự kiến trước đó. Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm phiên 18/3 sau thông báo của FED, nhưng nhà đầu tư đang băn khoăn điều gì sẽ diễn ra tiếp theo.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tăng nhẹ trong tuần trước, cho thấy thị trường lao động vẫn được giữ ổn định. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chậm lại trong quý đầu tiên do mùa đông khắc nghiệt và đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan về nền kinh tế trong quý 2/2015.
Theo chuyên gia Caron, việc nền kinh tế Mỹ ngày càng tốt hơn đã thúc đẩy phần nào cho sự tăng giá của đồng USD. Ông Caron cũng nhận định rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ của FED không phải là nguyên nhân duy nhất khiến đồng USD tăng giá.
Đóng cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 117,16 điểm, tương đương 0,65%, xuống 17.959,03 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,23 điểm, tương đương 0,49%, xuống 2.089,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 9,55 điểm, tương đương 0,19%, xuống 4.992,38 điểm.
Chỉ số Nasdaq đã được hỗ trợ bởi cổ phiếu ngành công nghệ sinh học. Cổ phiếu của Regeneron Pharma đã tăng 2,5% lên 483,90 USD còn cổ phiếu Biogen Idec tăng 2,4% lên 438,35 USD.
Tại Châu Âu, chỉ số FTSEurofirst 300 Index tăng 0,46% lên mức cao nhất kể từ năm 2007. Kỳ vọng của các nhà đầu tư trong việc đồng Euro giảm giá sẽ đem lại lợi ích cho ngành xuất khẩu đã hỗ trợ thị trường.
Chỉ số chứng khoán MSCI thế giới đã đi ngang trong phiên 19/3. Trước đó ngày 18/3, chỉ số này đã tăng 0,9%.
Giá vàng thế giới đã tăng 0,1%. Giá bạc tăng 1,4%. Giá đồng tăng 3,2%.