Phát hành thêm: “Ế” lần đầu, thành công khi phân phối lại -  chiêu trò, ma mãnh?

Trên thị trường hiện nay không hiếm trường hợp các kế hoạch phát hành thêm bằng hình thức chào bán ra công chúng bị chính cổ đông hiện hữu của doanh nghiệp bỏ lơ, song lại nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân bên ngoài.

Phải chăng còn lợi ích khác người ngoài nhận ra mà chính người nhà không nhìn thấy hay bản thân doanh nghiệp đang thực hiện các chiêu trò, ma mãnh.

Cổ đông hiện hữu ngó lơ

Thời gian gần đây, thị trường rộ lên khá nhiều trường hợp doanh nghiệp huy động vốn bằng cách chào bán cho cổ đông hiện hữu nhưng nhận lại là sự thờ ơ, qua đó tỷ lệ thành công chỉ vỏn vẹn khoảng vài phần trăm.

Điển hình là Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) bị ế đến 62 triệu cp trong số 63 triệu cp chào bán cho cổ đông hiện hữu trong đợt phát hành gần đây. Có thể nói với mức thị giá tầm 5,000 đồng đến 6,000 đồng trong vài tháng trở lại đây, mức giá 10,000 đồng/cp mà HQC chào bán cho cổ đông hiện hữu là quá cao nên tỷ lệ thành công thấp là điều khá dễ hiểu.

Hay Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (HOSE: HAR) cũng chỉ có 1,865 cp được cổ đông hiện hữu thực hiện quyền mua trong khi số lượng chào bán là lên đến 54.5 triệu đơn vị. Mức giá chào bán mà HAR đưa ra cũng bằng chính mệnh giá 10,000 đồng/cp, tương tự HQC thị giá của HAR cũng lình xình dưới mốc này. Lưu ý rằng HĐQT của HAR dường như cũng không hứng thú gì với cổ phiếu HAR - Trước phát hành, họ sở hữu trên 5 triệu cp và tỷ lệ phát hành là 1:1.

Ngoài ra, còn rất nhiều doanh nghiệp khác bị cổ đông hiện hữu bỏ rơi trong đợt phát hành thêm gần đây như Khoáng sản và Đầu tư Visaco (HNX: VMI) tỷ lệ thành công chỉ 4%, Tập đoàn Đầu tư Thăng Long (HNX: TIG) tỷ lệ này là 5%. Khá khẩm hơn một chút, Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương (HOSE: PPI) bán được 7.2 triệu cp trên tổng số 20 triệu cp đăng ký bán cho cổ đông hiện hữu.

NĐT bên ngoài đăng ký mua vì gì?

Dù bị cổ đông hiện hữu trong đó có cả chính những lãnh đạo bỏ rơi nhưng qua lần phân phối lại doanh nghiệp vẫn huy động vốn thành công nhờ việc chào bán cho các cá nhân, tổ chức khác. Đối với trường hợp như VMI, thị giá trên sàn nằm ở vùng trên 20,000 đồng, mức giá phân phối lại 10,000 đồng/cp, các nhà đầu tư mua lại rõ ràng sẽ được hưởng lợi từ chênh lệch giá (phát hành ra công chúng không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng). Tuy nhiên với những trường hợp như HQC, HAR, PPI thị giá nằm dưới mệnh giá trong khi giá phát hành là 10,000 đồng/cp, các nhà đầu tư này sẽ có lợi ích gì?

Theo thông tin công bố, HQC không phải quá lo lắng khi có 9 cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức là CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF) đăng ký mua 62 triệu cp còn lại, mức giá chào bán vẫn là 10,000 đồng/cp, cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại. Quả thật, hành động mua vào của các cá nhân và TLCF là khá khó hiểu, xét ở phương diện đầu tư đây không phải là thương vụ hời mà không muốn nói là bị hớ. Nếu cảm thấy HQC có tiềm năng các cá nhân trên và TLCF hoàn toàn có thể gom trên sàn.

Tương tự, PPI cũng có CTCP Quản lý quỹ Thăng Long (TLCF) mua 7 triệu và nhà đầu tư cá nhân ông Phạm Anh Tuấn mua 4 triệu cp bị "ế" trong đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu. Mức giá hai nhà đầu tư này chấp nhận mua là 10,000 đồng/cp. Hay, HAR có 20 nhà đầu tư tham gia mua 40 triệu cp với giá 10,000 đồng/cp, còn lại 14.6 triệu cp không có nhà đầu tư tham gia mua sẽ bị hủy bỏ.

Chiêu trò, ma mãnh?

Trao đổi với người viết, Trưởng bộ phận IB (Investment Banking) một công ty chứng khoán lớn cảnh báo nên thận trọng với những doanh nghiệp có nhiều nhà đầu tư đăng ký mua rải rác lượng cổ phiếu không phân phối hết cho cổ đông hiện hữu. Thông thường đây là các chiêu trò, ma mãnh, bẫy thành công của doanh nghiệp. Theo đó, việc phát hành thành công có thể đơn thuần ở bề mặt còn thực chất doanh nghiệp không hề huy động được vốn thực. Khi cổ phiếu về đến tài khoản các nhà đầu tư trên, việc thực hiện mua đi bán lại mới đem lại tiền thực.

Cùng quan điểm, một nhà đầu tư dày dạn trên thị trường cho rằng có những trường hợp, giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư nhận mua cổ phiếu phân phối lại đã thỏa thuận riêng. Và ở đây có khả năng tồn tại một "game" huy động. Nhiều trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải huy động vốn thành công, do vậy chấp nhận việc các mạnh thường quân chỉ bỏ ra một phần vốn nhỏ so với giá trị ghi trên giấy tờ, còn phần thiếu hụt sẽ được bổ sung bằng một vài bút toán kế toán.

Dưới góc độ môi giới chứng khoán, một chuyên viên lâu năm chia sẻ quan điểm khác để suy xét thêm là việc phát hành công khai không bị giới hạn thời gian chuyển nhượng, trong khi phát hành riêng lẻ sẽ bị giới hạn thời gian chuyển nhượng tối thiểu 1 năm theo Luật và điều lệ doanh nghiệp. Cho nên việc cổ đông hiện hữu không đăng ký mua lại giúp các nhà đầu tư chiến lược có cơ hội mua được cổ phiếu không bị giới hạn chuyển nhượng.

Thực tế, nhiều trường hợp doanh nghiệp đã tìm ra nhà đầu chiến lược nhưng bị vướng mắc ở khâu nhà đầu tư này không muốn bị chôn vốn trong thời hạn 1 năm. Do vậy, doanh nghiệp phải nghĩ ra khá nhiều cách, kể cả việc phát hành riêng lẻ cho một số cá nhân khác và gom cổ phiếu trên thị trường để bán lại cho nhà đầu tư chiến lược. Không loại trừ khả năng cả quá trình phát hành công khai như trên là chiêu trò của doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhà đầu tư chiến lược.

Mỹ Hà