Giai đoạn 2010-2011: Phát hành huy động vốn “khủng” - Thị trường lùi sâu
Trước diễn biến thuận lợi của TTCK trong năm 2010 sau một thời gian dài đi xuống, nhiều doanh nghiệp đã tích cực huy động vốn cho các dự án kinh doanh. Làn sóng phát hành thêm cổ phiếu được các doanh nghiệp niêm yết và chưa niêm yết lên kế hoạch và thực hiện trong giai đoạn 2010-2011. Trong đó, Ngân hàng, Xây dựng, Bất động sản, SX Vật liệu xây dựng, Khai khoáng là những ngành có kế hoạch tăng vốn mạnh nhất trong giai đoạn này, đáng kể nhất là các ngân hàng.
Có thể thấy rõ điều này khi chỉ tính riêng lượng cổ phiếu được niêm yết bổ sung (trên cả hai sàn) trong năm 2010 lên tới 4.18 tỷ cổ phiếu, bằng 40% tổng lượng cổ phiếu niêm yết năm 2009 là 10.2 tỷ cổ phiếu, và chiếm đến 27% lượng cổ phiếu niêm yết toàn thị trường. Tình hình tương tự cũng diễn ra trong năm 2011.
Như vậy, có thể thấy lượng cổ phiếu niêm yết tăng thêm trong năm 2010 và 2011 chủ yếu đến từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm. Đối tượng phát hành được nhắm đến chủ yếu trong giai đoạn này là cổ đông hiện hữu, trong khi việc phát hạnh cho đối tác chiến lược hay cổ đông bên ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ.
Sau giai đoạn phát hành thêm để huy động vốn “khủng” này thì thị trường đã diễn ra không mấy khả quan trong năm 2011, khi chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2010. Bên cạnh môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn, lãi suất đứng ở mức cao… thì việc thị trường sụt giảm mạnh trong giai đoạn này là điều có thể hiểu được khi:
Dòng tiền bị hao hụt. Vì lượng cổ phiếu phát hành thêm (nhắm vào cổ đông hiện hữu) tăng lên đột biến đã khiến cho lượng tiền trên thị trường bị hao hụt đáng kể và rõ ràng đây không phải là yếu tố tích cực cho thị trường.
Tâm lý giới đầu tư bị ảnh hưởng. Việc phát hành vốn liên tục với tần suất khá dày đặc khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy e ngại, và thuật ngữ “in giấy lấy tiền” được giới đầu tư sử dụng rộng rãi.
Diễn biến thị trường năm 2010-2011 (Nguồn: VietstockUpdater)
Năm 2015: Nỗi lo lịch sử lặp lại!
Trong các năm 2012 và 2013, lượng cổ phiếu phát hành thêm vẫn đứng ở mức cao nhưng so với cổ phiếu niêm yết thì chiếm tỷ lệ tương đối cân bằng. Tuy nhiên, sang năm 2014, làn sóng phát hành huy động vốn sôi động một cách đột biến khi lượng cổ phiếu niêm yết bổ sung cả năm lên tới gần 7.66 tỷ cổ phiếu, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, chưa đầy 3 tháng đầu năm 2015 thì lượng cổ phiếu được niêm yết bổ sung trên hai sàn đã lên tới con số 1.94 tỷ cổ phiếu, và việc đăng ký phát hành thêm cổ phiếu vẫn liên tục xuất hiện trong thời gian gần đây.
Điều này khiến cho giới đầu tư lo ngại hiện tượng “in giấy lấy tiền” xuất hiện trở lại. Bên cạnh các nỗi lo về hiệu quả sử dụng vốn, nguy cơ pha loãng thì khả năng dòng tiền thị trường bị hao hụt đang là nỗi lo lớn nhất của giới đầu tư. Nỗi lo này càng dâng cao khi dòng tiền trên thị trường có thể sẽ bị chia sẻ cho hoạt động M&A đang diễn ra sôi động và hoạt động IPO các doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy mạnh.
Do đó, không quá khó hiểu khi nhiều nhà đầu tư lo ngại kịch bản thị trường năm 2010-2011 sẽ lặp lại.
Mặc dù vậy, những yếu tố tác động lên thị trường trong năm 2015 đã có những thay đổi nhất định so với giai đoạn 2010-2011. Điển hình như nỗi lo về lạm phát đã lắng xuống, mặt bằng lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp, chính sách tiền tệ nới rộng đang được áp dụng… giúp môi trường kinh doanh trở nên sáng sủa hơn. Đây có thể là bệ đỡ quan trọng được kỳ vọng sẽ tạo sự khác biệt cho năm 2015.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang có chủ trương quy định chặt chẽ hơn việc phát hành cổ phiếu của các doanh nghiệp.