Thống kê từ BCTC quý II-2014 của 617 doanh nghiệp trên cả 2 sàn HOSE và HNX có đến 90 doanh nghiệp báo lỗ (chiếm 14,6%). Thống kê cũng cho thấy tổng doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết tăng 11,47%, trong khi lợi nhuận giảm 7% so với cùng kỳ năm 2013.
Việc doanh thu tăng mạnh trong khi lợi nhuận giảm cho thấy biên lợi nhuận của các doanh nghiệp đã có phần thu hẹp. Điều này xuất phát từ việc chi phí sản xuất kinh doanh tăng, dễ thấy nhất ở doanh nghiệp vận tải đường bộ và các ngành liên quan hoặc doanh nghiệp chấp nhận giảm giá bán để gia tăng thị phần của ngành hàng tiêu dùng.
Nhóm ngành công nghiệp, dầu khí và dịch vụ tiêu dùng đang có sự hồi phục mạnh mẽ với mức tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2013, lần lượt là 97%, 22% và 23%. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhóm ngành bất động sản, vật liệu cơ bản và dịch vụ công cộng lại suy giảm mạnh về lợi nhuận so với cùng kỳ, lần lượt ở mức 68%, 59% và 57%. Đặc biệt ngành bất động sản đã có sự tăng trưởng tốt về doanh thu nhưng lợi nhuận giảm mạnh. Nguyên nhân được cho do giá bất động sản trong 1 năm trở lại đây đã giảm tương đối mạnh. Song song đó, doanh nghiệp trong ngành đã phải cắt giảm biên lợi nhuận để đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho (giảm 3,7% so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, việc mã CP có vốn hóa lớn nhất trong ngành là VIC ghi nhận lợi nhuận đột biến 5.000 tỷ đồng trong quý II-2013, cũng là nguyên nhân chính gây ra sự suy giảm biên lợi nhuận của cả ngành trong quý II-2014 so với cùng kỳ năm trước. Theo quan sát của CTCK Bảo Việt (BVSC), mặc dù thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục kể từ đầu năm, tuy nhiên tín hiệu hồi phục mới thể hiện chủ yếu ở tính thanh khoản, giúp doanh thu có sự tăng trưởng mạnh. Sự hồi phục về yếu tố giá trong thời gian gần đây chưa được phản ánh vào lợi nhuận quý II. Bên cạnh đó, tín hiệu hồi phục cũng cho thấy sự không đồng đều giữa các doanh nghiệp, các phân khúc và các dự án khác nhau.
Ngay với doanh nghiệp nằm trong rổ VN30 cũng cho thấy sự phân hóa rõ nét trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2013, doanh thu của nhóm này tăng 12,4%, trong khi lợi nhuận có sự giảm mạnh lên tới 26%, tỷ lệ đòn bẩy (tổng nợ/tổng tài sản) tăng từ 55% lên 59%, hàng tồn kho giảm 13% so với quý I-2014. Tương tự với hơn 600 doanh nghiệp trên cả 2 sàn, bức tranh chung của nhóm doanh nghiệp vốn hóa lớn là sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận, dù tăng trưởng tốt về doanh thu. Theo thống kê, 7 doanh nghiệp có sự suy giảm cả về lợi nhuận và doanh thu là EIB, VCB, MBB, CSM, CTG, DIG và DPM. Trong đó, ngoại trừ MBB, các doanh nghiệp còn lại đều có sự sụt giảm về biên lợi nhuận.
Ngành ngân hàng tiếp tục cho thấy sự khó khăn trong quý II với ám ảnh nợ xấu do tỷ lệ nợ xấu đã tăng đáng kể trong tháng 6-2014, đặc biệt sau khi áp dụng Thông tư 02 quy định về phân loại tài sản, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, tổng cầu yếu cũng khiến tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm đạt mức thấp. Trong khi đó, một số doanh nghiệp lớn đã có kết quả kinh doanh khả quan trong quý II với sự tăng trưởng tốt về doanh thu, lợi nhuận và biên lợi nhuận so với cùng kỳ như KDC, GMD, HPG, SSI và PET.
NĐT theo dõi giá CP.Ảnh: LONG THANH |
Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng sáng sủa, đặc biệt kết quả kinh doanh quý III sẽ được doanh nghiệp công bố trong thời gian tới. Nhận định này được đưa ra dựa trên con số hàng tồn kho tăng nhẹ (tăng 3,3%) theo doanh thu. Đây được coi là tín hiệu tích cực đối với tổng cung, khi doanh nghiệp đã tăng sản lượng sản xuất với kỳ vọng đầu ra sẽ tốt hơn trong các tháng tới.
Hơn nữa, với mặt bằng lãi suất tín dụng nhiều khả năng cũng tiếp tục được điều chỉnh hạ xuống sau khi các ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn rẻ hơn. Điều này sẽ có tác động tích cực đến các ngành sản xuất kinh doanh do chi phí lãi vay giảm, đặc biệt với các ngành sử dụng đòn bẩy cao như công nghiệp, bất động sản và một số công ty có xu hướng dự trữ nguồn nguyên liệu đầu vào ở mức cao.