"Phải mở lòng với nhà đầu tư"

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), trong quá trình chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), nhiều nhà đầu tư lớn chưa đến được với chúng ta vì chúng ta chưa thực sự minh bạch thông tin, chưa thực sự mở lòng.

Minh bạch thông tin

Về sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) DNNN, tính đến 31-12-2013 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.782 DN, trong đó CPH 4.065 DN (bao gồm 3.650 DN và 415 bộ phận DN), còn lại 949 DN 100% vốn nhà nước (chưa kể các nông, lâm trường quốc doanh).

Riêng giai đoạn 2011 - 2013, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và sắp xếp theo các hình thức khác 81 DN. Trong 11 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 177 DN, trong đó CPH 115 DN.

Trong năm qua hoạt động cổ phần hóa, IPO các DNNN đã được tăng tốc và được biết sẽ được đẩy nhanh hơn nữa trong năm tới. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là cơ hội lớn để thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam.

Khẳng định với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh: "Đây đúng là cơ hội đầu tư, nhưng hấp dẫn hay không còn do người bán chứ không hẳn chỉ là hàng hóa. Nhiều nhà đầu tư lớn chưa đến được với chúng ta vì chúng ta chưa thực sự minh bạch thông tin, thực sự mở lòng".

Chia sẻ thông tin, ông Tiến cho biết, vừa qua, khi tiếp xúc tập đoàn JX Nippon Oil & Energy của Nhật, điều họ quan ngại nhất là thông tin chưa rõ ràng. Sau khi gặp gỡ các bộ, ngành để lấy thông tin nhiều chiều, họ đã không những trở thành cổ đông chiến lược mà còn kết hợp với Petrolimex để làm nhà máy lọc dầu lớn ở Vân Phong, hợp tác lâu dài cùng Petrolimex.

"Đó là cơ hội, tiềm năng đầu tư, nhưng nếu không biết kêu gọi sẽ rất khó. Nhìn lại vấn đề khi Petrolimex cổ phần hóa cách đây vài năm cho thấy chưa thực sự thành công, vấn đề đặt ra ở đây là phải thay đổi cách thức thực hiện. Hình ảnh của Petrolimex sau khi có cổ đông chiến lược lớn tham gia như JX sẽ giúp cho đợt chào bán cổ phần tới đây thành công hơn và giá trị cũng sẽ cao hơn", ông Tiến nói.

Không cần thiết phải qua sàn UPCOM

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), mục tiêu của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành là sau khi CPH xong DN phải thực hiện niêm yết ngay trên TTCK.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN đã gắn việc IPO và CPH với đăng ký niêm yết, giao dịch trên TTCK. Tuy nhiên, hiện nay một số DN lớn không muốn đăng ký giao dịch trên sàn UPCOM, mà sau khi IPO muốn đi thẳng lên sàn niêm yết.

Theo quy định của pháp luật chứng khoán, sau khi IPO, DN phải đạt những điều kiện nhất định theo quy định của TTCK mới có thể niêm yết. Những DN lớn chuẩn bị tốt từ khâu CPH sẽ đủ điều kiện ngay. Chẳng hạn như những DN lớn có 3 năm không lỗ, có kế hoạch 5 năm sau khi CPH khả thi, tỷ suất lợi nhuận tốt, chiến lược kinh doanh rõ ràng thì không cần qua sàn Upcom có thể đăng ký để niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Ông Đặng Quyết Tiến cho biết, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) sẽ rà soát lại quy trình này "DN nào đạt thì đưa lên luôn, không cần thiết phải qua sàn UPCOM, DN còn lại sẽ thực hiện ngay việc đăng ký qua sàn UPCOM để quản lý giao dịch và chuẩn bị đủ điều kiện để niêm yết theo đúng Luật Chứng khoán".

Được biết, để tăng cường kỷ luật đối với DN sau CPH gắn với thị trường chứng khoán, trong năm 2015 Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để có quy định giám sát, xử lý các trường hợp DN sau CPH nhưng còn chần chừ, tránh việc giao dịch theo Luật Chứng khoán.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, sau khi đã CPH, đăng ký giao dịch tại sàn UPCOM từ 1 đến 2 năm mà vẫn không đủ điều kiện niêm yết thì cần xem lại quá trình CPH về việc thay đổi "chất" của DN. Vì theo ông: "Đây chính là một tiêu chí thước đo chính xác nhất về chất lượng của CPH". Việc giao dịch qua sàn Upcom gần như là tập dượt cho sàn niêm yết. Việc đưa DN CPH xong vào ngay sàn đăng ký, UPCOM hoặc niêm yết là một trong những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới quyết liệt để đưa các DN có vốn nhà nước hoạt động minh bạch, nâng cao hiệu quả đồng vốn nhà nước gắn với thị trường.

Do đó, cần phải CPH các DN 100% vốn nhà nước gắn với niêm yết, giao dịch trên TTCK là công việc đương nhiên, bắt buộc thay vì khuyến khích như trước đây. Ông Tiến cho biết: "Chúng tôi cũng khuyến nghị UBCKNN nên có hình thức khen thưởng, biểu dương để khích lệ DN thực hiện".