Phác họa chân dung nhà đầu tư ETF Việt Nam

Phác họa chân dung nhà đầu tư ETF Việt Nam

Gần đây, sản phẩm tài chính nhận được nhiều sự chú ý nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK) là quỹ ETF Việt.

Sau khi quỹ ETF “made in Vietnam” đầu tiên ra đời vào tháng 7 vừa qua (VFMVN30 ETF) và đã chính thức niêm yết vào ngày 6-10-2014 (mã CCQ là E1VFVN30), khá nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh những vấn đề như: ETF nội địa có những ưu việt gì, liệu vốn ngoại có chảy vào ETF nội địa không, “sân chơi” của ETF nội địa sẽ thích hợp cho những nhà đầu tư nào, hoặc ETF nội địa sẽ làm thay đổi văn hóa và hành vi đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam như thế nào...

ETF Việt Nam phù hợp với những nhà đầu tư có một hoặc một vài đặc điểm được nêu dưới đây. Các đặc điểm này không chỉ định hình một phân đoạn thị trường nhà đầu tư mới, mà nó còn đánh dấu một bước tiến mới trong hành vi đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nội.

Người có xu hướng chuyển sang đầu tư thụ động

Đầu tuần này, Quỹ hoán đổi danh mục đầu tiên tại Việt Nam, ETF VFMVN30, huy động được 202 tỉ đồng trong đợt chào bán lần đầu (IPO), đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. Quỹ này do Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VMF) quản lý.

Từ ngày TTCK Việt Nam chính thức mở cửa đến nay, tất cả các nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức tại Việt Nam đều có chung một đặc điểm là: đầu tư chủ động. Có thể lấy ví dụ điển hình là các quỹ nội địa (phần lớn gồm quỹ đóng và quỹ mở), một loại hình quỹ vốn được xem là hình thức đầu tư phù hợp với các nhà đầu tư cá nhân.

Thông thường, các quỹ này được những chuyên gia giàu kinh nghiệm điều hành. Do đó, họ được kỳ vọng là sẽ sử dụng vốn hiệu quả, thường xuyên tái cơ cấu danh mục và đầu tư vào các tài sản, lĩnh vực có tỷ suất sinh lợi cao (tức quản lý chủ động). Tuy nhiên, không phải quỹ nào cũng có kết quả như mong đợi. Bằng chứng là trong suốt hơn năm năm liên tục vừa qua, rất nhiều quỹ tại Việt Nam (cả nội và ngoại) đều không thắng được thị trường.

Điều này cho thấy, mô hình quản lý quỹ theo kiểu chủ động chưa hẳn đã đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư. Đó là chưa kể, do quản lý theo kiểu chủ động, nên chi phí quản lý mà các nhà đầu tư phải trả cho công ty quản lý quỹ cũng khá cao. Những điều này có thể lý giải vì sao các quỹ nội địa dù được ra đời từ hơn 10 năm trước, nhưng vẫn chưa trở thành nơi thu hút mạnh vốn nhàn rỗi của nhà đầu tư.

Trái ngược với cách thức đầu tư chủ động là đầu tư thụ động, mà điển hình là ETF. Sự ưa chuộng của giới đầu tư đối với ETF ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt trên thế giới (thậm chí nhanh hơn cả quỹ mở) xuất phát từ chính bản chất của ETF. Bản chất này có nguồn gốc từ học thuyết EMH trong tài chính (giả thuyết thị trường hiệu quả). Đó là: “Các nhà đầu tư không thể khôn hơn thị trường”, và “nếu không thể thắng được thị trường, thì tốt hơn hãy đi theo nó”. Hình thức “đi theo nó” chính là việc quỹ mô phỏng theo một chỉ số cụ thể, ví dụ E1VFVN30 mô phỏng chỉ số VN30. Danh mục của ETF gồm một rổ chứng khoán có cơ cấu như cơ cấu của chỉ số mà nó mô phỏng. Theo đó, nhà quản lý quỹ không cần tích cực tái cơ cấu danh mục của quỹ mà chỉ cần bám sát theo rổ chứng khoán của chỉ số mục tiêu.

ETF nội địa có thể trở thành một kênh tiếp cận mới cho dòng vốn ngoại chảy thêm vào Việt Nam.

Nói cách khác, khác với cách thức đầu tư chủ động của nhiều loại hình quỹ tương hỗ, hầu hết những quỹ ETF đều dựa vào mô hình máy tính để lọc và lựa chọn các chứng khoán được mua hoặc bán hay thêm vào hoặc loại khỏi danh mục. Quá trình này ít khi có sự can thiệp của con người, đồng thời cũng mang lại nhiều ưu điểm cho ETF, chẳng hạn như tính minh bạch cao, phí quản lý thấp, giao dịch linh hoạt...
Người ưa thích mức độ rủi ro thấp

Mức độ rủi ro thấp của ETF Việt Nam được thể hiện qua ba khía cạnh. Một là, ETF tồn tại dưới dạng một danh mục chứng khoán cơ cấu, giúp loại bỏ được phần lớn những rủi ro phi hệ thống. Hai là, để được chọn vào rổ chỉ số, các cổ phiếu phải vượt qua được điều kiện liên quan đến tính minh bạch và kết quả kinh doanh (tức cổ phiếu phải không thuộc diện bị cảnh báo và/hoặc kiểm soát). Và ba là, nếu so sánh với các kênh đầu tư hiện tại (như: đầu tư cổ phiếu theo dạng chủ động thì rủi ro cao, gửi tiết kiệm thì lãi suất kém hấp dẫn, đầu tư bất động sản thì thanh khoản rất kém...), thì ETF thể hiện sự cân bằng và hài hòa hơn giữa rủi ro và lợi nhuận thu được. Nói cách khác, về lâu dài, nó sẽ giúp thu hút dòng tiền nhàn rỗi hoặc dòng tiền đòi hỏi có độ an toàn cao và thanh khoản, chẳng hạn như từ kênh tiết kiệm (hay kênh quỹ hưu trí, bảo hiểm) sang kênh ETF.

Người nước ngoài chỉ muốn đầu tư chung

ETF Việt Nam phù hợp đối với các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc có một khoản đầu tư chung vào Việt Nam (exposure in Vietnam), chứ không chú trọng việc phải lựa chọn những cổ phiếu cụ thể nào đó để đầu tư. Đây là lối đầu tư rất phổ biến trên thế giới, thường được các tổ chức tài chính lớn, các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm sử dụng. Với việc hầu hết các nhà đầu tư ngoại đều có đánh giá rất khả quan và cái nhìn tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam, thì ETF nội địa chính là cánh cửa giúp họ thâm nhập và tham gia “cuộc chơi” tại Việt Nam một cách nhanh nhất, ít tốn kém nhất, và an toàn nhất. Nói cách khác, ETF nội địa có thể trở thành một kênh tiếp cận mới cho dòng vốn ngoại chảy thêm vào Việt Nam.
Người mê trường phái phân tích kỹ thuật

Giới đầu tư nhìn chung thường hay áp dụng hai phương thức phân tích: phân tích cơ bản (fundamental analysis) và phân tích kỹ thuật (technical analysis). Trường phái cơ bản chủ yếu xoay quanh vấn đề định giá (xác định giá trị nội tại) của một cổ phiếu; trong khi đó, trường phái kỹ thuật lại chú trọng việc dự đoán giá dựa trên việc phân tích diễn biến giá lịch sử. Chính vì danh mục chứng khoán cơ cấu của ETF được xác lập với mục tiêu mô phỏng chỉ số sao cho hiệu quả mô phỏng cao nhất có thể (tracking errors thấp) với chi phí thấp, nên việc lọc và lựa chọn các cổ phiếu thành phần này cũng mang tính kỹ thuật (tức không xét đến các yếu tố cơ bản như: tăng trưởng nguồn thu, cổ tức, lãi suất kỳ vọng, hay rủi ro trong tương lai...). Nói cách khác, ETF đã loại bỏ được hầu hết các yếu tố mang tính cơ bản, và chỉ còn lại trong nó những yếu tố kỹ thuật thuần túy (như giá, thanh khoản...). Như vậy, một khi ETF Việt Nam có đồ thị giá đủ dài, thì CCQ này sẽ có thể trở thành một chứng khoán ưa thích của giới phân tích kỹ thuật.