Bữa tiệc ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới của The Pan Group vào đầu tháng 10 tại khách sạn JW Marriott tại Hà Nội có món khai vị rất đặc biệt. Thay vì súp, hoặc salad, người chủ bữa tiệc lại chọn cơm hấp lá sen - món ăn thường để gần cuối.
Cơm hấp lá sen được chọn làm món khai vị cho bữa tiệc đặc biệt. Ảnh: Ly Nguyễn. |
Trong phần giới thiệu, ông Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch công ty này chia sẻ, món cơm hấp lá sen được đưa lên đầu tiên để mọi người có thể thưởng thức và cảm nhận rõ hơn về chất lượng sản phẩm gạo sạch của công ty. Doanh nhân này cho biết, toàn bộ thực phẩm, gia vị của bữa tiệc (trừ thịt bò) đều do công ty của ông cung cấp, chỉ sử dụng đầu bếp của khách sạn.
"Tất cả đều là thực phẩm sạch, được trồng, chế biến với quy trình kiểm soát rất nghiêm ngặt", người được gán biệt danh "ông trùm chứng khoán" khẳng định.
Ở bữa tiệc hôm đó, nhiều người quen cũ gặp lại ông Hưng cũng khá ngạc nhiên, vì không nghĩ người của chứng khoán lại tuyên bố tham vọng lớn ở mảng nông nghiệp. Sứ mệnh được công ty này công bố cũng đúng "kiểu Nguyễn Duy Hưng": Sinh ra để nuôi dưỡng thế giới (Born to feed the world).
Ông trùm chứng khoán
Thực tế, trước khi thực hiện nhiều thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) ở The Pan Group, chuyển hướng sang lĩnh vực nông nghiệp, công ty này có ngành kinh doanh ban đầu là cung cấp dịch vụ vệ sinh công nghiệp cho các toà nhà và chiếm gần 50% thị phần. Tên trước đó là Pan Pacific và Nguyễn Duy Hưng cũng là chủ tịch kiêm nhà sáng lập.
Tuy nhiên, ông Hưng nổi tiếng nhất trong ngành chứng khoán với vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn -SSI (công ty được thành lập sau Pan Pacific).
Nguyễn Duy Hưng - người từng gây sóng gió trên thị trường với những nhận định về giá cổ phiếu. Ảnh: NVCC |
Khi ra đời, SSI là công ty chứng khoán tư nhân duy nhất và cũng bé nhất trên thị trường, với vốn điều lệ vỏn vẹn 6 tỷ đồng. Đến nay, SSI đã trở thành công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam, với vốn điều lệ 4.700 tỷ đồng.
Ông Hưng từng có thời gian tuyên bố "không nhận định về thị trường và giá cổ phiếu nữa", vì không muốn những phát biểu của mình có thể có tác động đến xu hướng biến động của giá cổ phiếu. Biệt danh "ông trùm chứng khoán" cũng bắt nguồn từ đây.
"Thực tế thì chẳng ai có thể phát biểu mà khiến giá cổ phiếu biến động khác đi so với các yếu tố nội tại của thị trường. Những dự đoán của tôi có thể đúng với xu hướng, và vì thế thị trường biến động theo đó mạnh hơn mà thôi", vị chủ tịch chứng khoán phân trần về các phát ngôn, nhận định thời đó.
Tháng 3/2007, khi cơn sốt chứng khoán lên tới đỉnh điểm, số lượng nhà đầu tư đến SSI mở tài khoản đông đến mức công ty không thể đáp ứng nhu cầu.
Để tránh việc quá tải và giới hạn số người đến mở tài khoản mới, ông Nguyễn Duy Hưng ra quy định phải có 100 triệu đồng mới được mở tài khoản tại đây. Quy định này từng gây bão dư luận thời gian sau đó, vì rất nhiều người lên tiếng SSI "quá chảnh".
Từ chứng khoán đến nông nghiệp
Sau nhiều năm kinh doanh trong mảng cung cấp dịch vụ tiện ích và vệ sinh công nghiệp, năm 2012, PAN bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, mà khởi đầu là mua 2,6 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF), tương đương 20,2% vốn điều lệ.
Từ đó đến nay, công ty liên tục bành trướng trong lĩnh vực này thông qua các thương vụ M&A. Vốn điều lệ tăng từ mức ban đầu 250 triệu đồng lên hơn 831 tỷ đồng tính tới tháng 6/2015.
Sau một thời gian "vắng bóng" (từ năm 2006), tháng 4/2013, ông Hưng trở lại vị trí Chủ tịch PAN khi công ty này đầu tư rất mạnh cho mảng nông nghiệp. Cùng lúc đó, PAN cũng có Tổng giám đốc mới, đồng thời là thành viên HĐQT, là một người nước ngoài - ông Michael Louis Rosen.
Chủ tịch SSI chọn sứ mệnh mới của mình là xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt. Ảnh: Nguyễn Hạnh. |
Theo số liệu được The Pan Group công bố, họ đã chi 1.500 tỷ đồng cho các thương vụ M&A đình đám, để giữ cổ phần chi phối tại 4 công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp: Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) 63,3%, Bibica (BBC) 42,3%, Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF) 61%; Công ty Giống cây trồng trung ương (NSC) 62,86%.
Đi kèm với các khoản đầu tư lớn, công ty đặt mục tiêu doanh thu trên 15.000 tỷ đồng vào năm 2020, từ mức hơn 1.100 tỷ đồng cuối năm 2014. Cùng với mục tiêu doanh thu, ông Hưng tuyên bố xây dựng hệ thống chuỗi khép kín "Farm - Food - Family" (Trang trại - Thực phẩm - Gia đình) cung cấp nông sản, thực phẩm ra thị trường.
Giấc mơ mới của ông trùm chứng khoán
Khi được đề nghị bình luận về làn sóng các đại gia chứng khoán (SSI), địa ốc (Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai), thép (Hoà Phát)… đua nhau đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Hưng nói: "Điều đó cho thấy rất nhiều tiền và trí tuệ đang được đổ vào một ngành liên quan đến 80% dân số Việt Nam. Dù tiếp cận ở góc độ nào, đầu tư ra sao, tất cả đều đem đến cơ hội và lợi ích tốt hơn cho người nông dân".
Ông trùm chứng khoán phân tích thêm, hiện nay, xu hướng kinh doanh chuyển từ bất động sản, đầu tư tài chính, những ngành mang tính chất đầu tư vào tài sản, sang sản xuất hàng hóa của cải vật chất. Lĩnh vực nông nghiệp rất tiềm năng và là một lựa chọn tốt, bởi Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp.
Chủ tịch The Pan Group chia sẻ: "Tôi cũng muốn góp sức cùng với mọi người xây dựng nên những thương hiệu nông sản Việt nổi tiếng trên thế giới. Mục tiêu này không dễ dàng, nhưng tôi tin vào sứ mệnh đó".
Trước khi công bố những mục tiêu tham vọng, ông Nguyễn Duy Hưng đã mời được Richard Gilmore về tư vấn cho việc xây dựng chiến lược của The Pan Group trong 6 tháng. Richard Gilmore là chuyên gia tư vấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Bill Clinton, hiện là Chủ tịch Global Food Safety Forum (Mỹ).
Sau khi The Pan Group thực hiện chiến lược mới, tập đoàn này vừa đón thêm 2 nhà đầu tư nước ngoài, là Công ty Tài chính quốc tế (IFC - thuộc Ngân hàng Thế giới) và Orix Corporation (một quỹ đầu tư của Nhật Bản). Trong đó, IFC quyết định đầu tư chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi tiếp xúc - tốc độ rất nhanh với quy trình đánh giá của định chế này.
Trả lời Zing.vn về khả năng thành công trong lĩnh vực mới, ông Nguyễn Duy Hưng nói: "Khi tôi bắt đầu làm chứng khoán thì có ai tin SSI - một công ty tư nhân, bé nhất thị trường - sẽ phát triển như ngày nay không? Cách đây 3 năm, khi tôi nói về nông nghiệp, chẳng mấy ai quan tâm, còn bây giờ thì có rất nhiều người đầu tư vào đó".
Rồi vị chủ tịch chứng khoán bổ sung với chút suy tư: "Ở một quốc gia mà 80% dân số liên quan đến nghề nông, làm một điều gì đó có ý nghĩa để phát triển ngành này là một sứ mệnh xứng đáng để theo đuổi. Điều này vượt khỏi câu chuyện kinh doanh kiếm tiền đơn thuần và bây giờ tôi có đủ lực để theo đuổi nó".