Ông Trần Đình Thiên: Cổ phần hóa DNNN quyết tâm cao nhưng kết quả còn rất thấp

Ông Trần Đình Thiên: Cổ phần hóa DNNN quyết tâm cao nhưng kết quả còn rất thấp

INDH) Đánh giá về tiến trình cổ phần hóa các DNNN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam ông Trần Đình Thiên cho rằng: Khác với diễn biến chậm chạp trong các năm trước, bước sang năm 2014, có sự thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong động thái cổ phần hóa DNNN.

Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường (cạnh tranh tự do, bình đẳng và hệ thống giá được thiết lập trên cơ sở chủ yếu là cung - cầu thị trường và cạnh tranh), Chính phủ đã tỏ ra quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh chương trình cổ phần hóa DNNN, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Chính phủ đặt ra nhiệm vụ trong 2 năm 2014-2015, phải cổ phần hóa được 532 DNNN, tức là căn bản hoàn thành toàn bộ chương trình cổ phần hóa DNNN. So với tốc độ cổ phần hóa cực kỳ chậm chạp của những năm trước, đặt trong bối cảnh cả nền kinh tế - cả khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp – đều gặp khó khăn, đặc biệt là nguồn lực tài chính, nhiệm vụ cổ phần hóa 532 DNNN dường như là một thách thức to lớn mà Chính phủ tự đặt ra cho mình.

Thực tế là trong 6 tháng đầu năm 2014, mới cổ phần hóa được 38 DN, tương đương 3,9% số DN phải cổ phần hóa trong 2 năm 2014-2015 và 10,4% kế hoạch năm 2014.

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn chưa đạt

Trước tình trạng đầu tư ngoài ngành dàn trải và kém hiệu quả của các DNNN, Chính phủ đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, tính toán rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính. Theo đó, từ cuối 2011 đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty phải hoàn thành thoái vốn đầu tư ngoài ngành và không có ngoại lệ.

Dựa trên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN được Chính phủ đặt ra vào cuối 2011 thì việc đến giữa 2014 mới chỉ thoái được khoảng 23% lượng vốn đầu tư ngoài ngành cho thấy quá trình thoái vốn vẫn chưa đạt. Quá trình thoái vốn hiện tại về cơ bản vẫn là việc các DNNN chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành của mình sang cho các DNNN khác.

Như vậy, xét về tổng thể nếu quá trình tiếp tục diễn biến như hiện tại thì hoặc có thể sẽ không cán được đích đề ra vào cuối 2015,hoặc nếu đạt được thì sẽ ở dưới dạng thoái vốn nội bộ khu vực DNNN, và khi đó, lại tạo gánh nặng cho quá trình cổ phần hoá DNNN.