Đây là phát biểu của ôngPhạm Viết Muôn Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, phó trưởng ban thường thực ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN tạibuổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu của Tổng công ty Hàng không Việt Nam diễn ra sáng nay tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của NĐT về việc tại sao VNA chỉ chào ra công chúng 3,475% vốn điều lệ, ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch VNA cho biết việc chào bán cổ phần VNA căn cứ theo khả năng của thị trường và cơ cấu vốn mà nhà nước nắm giữ 75%.
Ông Thanh cũng cho biết thêm về tỷ lệ chào bán 3,475% vốn điều lệ ra công chúng tưởng chừng là thấp nhưng với giá khởi điểm lần đầu chào bán ra công chúng của VNA là 22.300 đồng/cp thì giá trị cổ phần bán ra tương đương 1.100 tỷ đồng, tỷ lệ này là hợp lý và phù hợp với điều kiện thị trường Việt Nam hiện nay.
Về câu hỏi tiến trình Nhà nước giảm tỷ lệ sở hữu tại VNA từ 75% xuống 65%, ông Phạm Viết Thanh cho biết điều này cũng phải căn cứ vào thị trường tài chính và khả năng hấp thụ vốn của thị trường Việt Nam, VNA sẽ báo cáo Bộ GTVT để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước.
Ông Phạm Viết Muôn: Không tìm được NĐT chiến lược không có gì hốt hoảng
Về câu hỏi kế hoạch niêm yết trên TTCK, ông Phạm Viết Thanh cho biết hiện tại tính đến hết tháng 3/2015 VNA sẽ tiếp tục tiến trình cổ phần hóa, đến hết quý 1/2015 sẽ chuyển qua hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần. Về thời điểm lên sàn, theo quy định của nhà nước phải niêm yết trong 1 năm sau khi chuyển đổi thành CTCP, VNA cam kết tích cực thực hiện nhưng việc thực hiện này cũng phụ thuộc vào việc hồ sơ phải được UBCK xem xét thông qua đủ điều kiện lên sàn hay không.
Về việc tìm NĐT chiến lược cho VNA, ông Phạm Viết Thanh cho biết trong tiến trình tìm NĐT chiến lược, VNA có 2 đơn vị tư vấn quốc tế là Morgan Standley và Citigroup, hiện đã có ít nhất 2 NĐT quan tâm xem xét làm NĐT chiến lược của VNA, hiện nay VNA đang xem xét, đàm phán và cung cấp thông tin cho NĐT tiềm năng để 2 bên xem xét phối hợp.
Ông Phạm Viết Muôn Phó chủ nhiệm văn phòng chính phủ, phó trưởng ban thường thực ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DNNN cho biết rất nhiều NĐT quan tâm đến cổ phần hóa các DNNN quy mô lớn tại Việt Nam.
Ông Muôn cho biết có rất nhiều NĐT quan tâm đến VNA, Mobifone…nhưng 2 doanh nghiệp có làm việc được với nhau hay không, điều kiện hợp tác là gì, cổ đông chiến lược phải đáp ứng điều kiện ra sao…để 2 bên hòa hợp về vấn đề lợi ích là rất khó.
Do đó ông Muôn cho rằng nếu chưa bán được cổ phần cho NĐT chiến lược thì VNA vẫn hoạt động theo mô hình CTCP, không có gì phải hốt hoảng cả, sau khi IPO và bán cho cán bộ công nhân viên 5%, Nhà nước nắm giữ 95% sau đó nếu tìm được cổ đông chiến lược đáp ứng được yêu cầu thì bán, "đã tìm cổ đông chiến lược thì phải tìm cổ đông chiến lược tốt, có thể giúp VNA cất cánh", ông Muôn nói.
Thị trường hấp thụ ở mức “được”
Một nhà đầu tư đặt câu hỏi trong giai đoạn 2014-2015 nhà nước cổ phần hóa 430 DN trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn như VNA, vậy việc đưa ra thị trường một lượng cung lớn như vậy thì thị trường có hấp thụ được hay không.
Ông Muôn cho biết, câu trả lời này thuộc về nhà đầu tư, người mua nhiều thì đưa ra nhiều, trong giai đoạn 2011-2013 số lượng DNNN cổ phần hóa rất thấp nên năm 2014-2015 chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN. 10 tháng đầu năm 2014 chúng ta đã CPH được 100 DN.
Theo ông Muôn thị trường hiện nay hấp thụ ở mức “được”, có nhiều công ty đưa ra thị trường mua hết hoặc mua gần hết như Vinatex hay Tổng công ty Dầu thực vật, nhiều tổng công ty đề nghị bán 100%, nhưng cũng có đơn vị đưa ra bán nhưng thị trường không hấp thụ hết số lượng CP đưa ra.
Chính phủ chủ trương DN chưa IPO được vẫn chuyển sang công ty CP, nhà nước nắm giữ tuyệt đại đa số, chúng ta tạo ra hàng hóa sẵn sàng để NĐT có nhu cầu thì chúng ta bán tiếp.