Năm 2014 là một năm thành công của thị trường chứng khoán và thị trường năm 2015 vẫn còn rất nhiều cơ hội. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên thận trọng với nhóm cổ phiếu đầu cơ, và không nên có cái nhìn méo mó theo "dòng cổ phiếu".
Đó là những ý kiến của ông Nguyễn Duy Hưng - chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI khi trả lời phỏng vấn của báo giới.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về các bước phát triển của thị trường trong năm 2014?
Ông Nguyễn Duy Hưng: Năm 2014 là một năm thành công của thị trường chứng khoán dù Index đóng cửa cuối năm không được như mọi người dự đoán (ít là 600, nhiều thì hơn 600).
Có một số vấn đề tác động mạnh như cổ phiếu của ngành dầu khí, ví dụ như PVGas ảnh hưởng rất lớn, làm méo mó chỉ số. Cũng không ai ngờ giá dầu thế giới sụt giảm mạnh như thế. Nhưng với những gì đã diễn ra trong năm 2014, tôi cho rằng đó là một năm thành công, bởi vì các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản khi chào bán ra thị trường nước ngoài đều có kết quả rất tốt. Điều đó chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến các công ty có nền tảng tốt.
Việc Chính phủ Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ trái phiếu quốc tế cũng cho thấy định mức tín nhiệm của TTCK nói chung và định mức tín nhiệm quốc gia của chúng ta được đánh giá cao. Việc giá cổ phiếu lên xuống là điều bình thường, còn nhìn vào thanh khoản, nhìn vào các "deal" thành công khi phát hành thì có thể nói 2014 là năm thành công của TTCK.
Vậy theo ông, thị trường chứng khoán năm 2015 có điểm sáng nào?
Năm 2015 vẫn là năm có cơ hội tốt của thị trường chứng khoán. Về chính sách, với việc thông qua 1 loạt văn bản luật, các cơ quan quản lý nhà nước đều đặt vai trò của doanh nghiệp lên cao. Đây là tín hiệu tốt vì thị trường chứng khoán chỉ tốt khi doanh nghiệp tốt lên, làm ăn bài bản. Muốn làm được điều đó thì họ phải có một môi trường làm ăn tốt.
Thứ hai, trong vòng 10 năm nay, chưa bao giờ lãi suất thấp như hiện nay. Đó là nền tảng giúp chi phí vốn đầu vào của DN giảm.
Bên cạnh đó, lạm phát giảm và dự báo GDP tăng trưởng là tín hiệu rất mừng để dự báo cho các cơ hội trong năm nay.
Nói riêng về thông tư 36, sự ra đời của thông tư này là một điều rất cần thiết để chuyên nghiệp hóa thị trường tài chính, giảm thiểu sở hữu chéo. Tuy nhiên, thông tư này có tác động đáng kể khi lộ trình khắc phục những gì đã làm trước đó nhanh quá.
Tôi nhấn mạnh, năm nay sẽ là năm tốt cho những DN có nền tảng cơ bản. Còn những DN phải dựa vào ngân hàng thì tiếp tục gặp khó.
Về thông tư 36 cũng có nhiều ý kiến. Có người nói rằng Thông tư 36 sẽ nới dòng vốn từ margin ra thị trường, có người cho rằng sẽ siết chặt. Ông đánh giá điều này như thế nào?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của thị trường chứng khoán không phải là dùng vốn của ngân hàng để đầu tư chứng khoán. Khi đưa ra những quy định này, có nghĩa là những người soạn thảo TT36 đã muốn xây dựng một thị trường chuyên nghiệp, bài bản hơn. Bản thân các DN, CTCK phải làm sao để hàng hóa của mình hấp dẫn hơn tiền gửi tiết kiệm, làm sao để người ta lựa chọn chuyển tiền từ tiết kiệm vào đầu tư. Quá trình này, nhà đầu tư được lựa chọn thế nào là hiệu quả nhất cho mình. Và như thế, tôi nghĩ đó là sự lành mạnh thị trường, không phụ thuộc vào các chính sách ngắn hạn của Ngân hàng.
Ngay ở thị trường quốc tế, việc Ngân hàng cho vay đầu tư vào thị trường chứng khoán được kiểm soát chặt chẽ với lãi suất rất cao. Còn sản phẩm margin của các CTCK phải có chuẩn mực. Tôi nghĩ TT36 là điều cần thiết cho thị trường.
Ông có kỳ vọng gì vào sản phẩm mới cho thị trường, và theo ông, thị trường có cần công cụ nào khác hỗ trợ ?
TTCK cần nhất là tuân thủ nguyên lý thị trường. Hàng loạt các thông tư, nghị định đã giúp chúng ta chuẩn mực hóa, bắt các thành tố thị trường phải đưa ra các sản phẩm cạnh tranh. Đó là yếu tố tốt.
Năm 2014 được nhiều nhà đầu tư đánh giá là năm mà cổ phiếu đầu cơ "làm loạn" thị trường. Theo ông, năm nay có cơ hội nào cho nhóm cổ phiếu này không?
Ở bất cứ một quốc gia nào, các loại cổ phiếu đầu cơ cũng là cần thiết cho thị trường. Nhưng trong chừng mực nào đấy thì tốt, còn vượt quá thì không còn tốt nữa. Đã gọi là cổ phiếu, giá trị định giá thấp là hàng hóa tốt còn khi giá đã quá cao vượt giá trị thực thì không còn tốt nữa. Mọi người phải thận trọng. Tâm lý thông thường của nhà đầu tư là cổ phiếu 10.000 đồng là tốt, 12.000 đồng vẫn tốt và cứ kỳ vọng lên nhưng nó không thể lên mãi được. Khi giá cổ phiếu lên rồi thì sẽ phải xuống. Người ta sẽ tìm một cái cớ nào đó, dù rất nhỏ thôi để giá cổ phiếu lao xuống.
Tôi nghĩ TT36 sẽ là một điều kiện cần thiết để hạn chế việc này.
Ông đánh giá như thế nào về nhóm cổ phiếu Dầu khí trong năm 2015?
Đây là câu chuyện khó nói vì kết quả hoạt động của doanh nghiệp dầu khí phụ thuộc giá dầu thế giới. Việc giá dầu xuống dưới 60 USD/thùng là một điều vượt quá dự đoán của các chuyên gia và nhuốm màu sắc chính trị. Theo tôi, Mỹ và Nga giải quyết xong vấn đề Ukraina thì giá dầu sẽ phục hồi nhưng Index không phải là điều quá quan trọng mà quan trọng nhất là TTCK huy động được vốn hay không.
Vậy theo ông, có dòng nào thay thế được dòng dầu khí?
Tỷ trọng của dòng dầu khí trên thị trường rất lớn, bên cạnh dầu khí, ngân hàng. Tôi cho rằng bất động sản và ngân hàng trong năm 2015 sẽ vẫn rất khó khăn, nhất là ngân hàng.
Năm 2015 là năm hứa hẹn của thị trường chứng khoán nhưng tôi không đánh giá cao dòng nào cả, việc nhìn theo dòng làm méo mó cách nhìn. Trong thị trường chứng khoán, bất cứ cái gì méo mó quá đều không tốt.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!