Ông Lee Meng Wee: "Quản trị rủi ro cần nhạy cảm với biến động thị trường"

(NDH) Quản trị rủi ro là công việc của mọi tổ chức để phát triển thị trường vốn- từ công ty chứng khoán đến các tổ chức quốc tê. Đây là quan điểm của ông Lim Meng Weev tại buổi tọa đàm do HNX phối hợp với Chứng khoán Kỹ thương tổ chức mới đây.

Trong khuôn khổ của tuần lễ quản trị công ty quý 2/2015, ngày 21/04/2015, Sở GDCK Hà Nội phối hợp Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương tổ chức chương trình “Tọa đàm về Quản trị rủi ro tại Công ty chứng khoán trong lĩnh vực tài chính và môi giới” nhằm nâng cao nhận thức về quản trị rủi ro và tăng cường hoạt động quản trị rủi ro tại các công ty chứng khoán.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK Hà Nội nhận định, quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính nói chung, lĩnh vực chứng khoán nói riêng có vai trò rất quan trọng để đảm bảo cho các công ty chứng khoán hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro tiềm tàng trước những thay đổi của môi trường kinh doanh cũng như diễn biến thăng trầm của TTCK.

Mới đây, UBCKNN đã có văn bản hướng dẫn các CTCK thiết lập bộ phận quản trị rủi ro và ban hành các quy trình nghiệp vụ để quản trị rủi ro. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai vấn đề này của lãnh đạo tại các công ty chứng khoán còn gặp nhiều khó khăn.

Tại cuộc tọa đàm, ông Lim Meng Wee – chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kỹ thương, đồng thời cũng là đã có 10 năm làm việc tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore với vị trí Giám đốc hoạt động mảng thanh toán chứng khoán và sản phẩm phái sinh , đã trình bày quan điểm về quản trị rủi ro – từ cấp độ quốc tế như các tổ chức IOSCO, IMF, World Bank đến cấp độ quốc gia và cấp độ công ty.

Theo ông Meng Wee các công ty chứng khoán hoạt động kinh doanh trong một môi trường tiềm ẩn rất nhiều rủi ro - từ rủi ro về kinh doanh (doanh thu và thị trường ngày càng cạnh tranh), rủi ro về an ninh mạng và nguy cơ mất an toàn hệ thống, rủi ro về pháp luật, rủi ro trong vận hành và lớn nhất là rủi ro do những biến động trên thị trường tài chính mang lại.

Ông Meng Wee cũng đưa ra ví dụ về trường hợp của Tập đoàn Blumont, một công ty niêm yết trên Sở GDCK Singapore. Hoạt động kinh doanh ban đầu của Tập đoàn này là khử độc, tiệt trùng bằng tia gamma; đầu tư chứng khoán; đầu tư và phát triển bất động sản. Sau đó, Tập đoàn này đã có chiến lược mới hoạt động sang lĩnh vực khai thác khoáng sản thông qua việc mua lại cổ phần của các doanh nghiệp khoáng sản đang niêm yết trên sàn. Công ty cũng ra những tuyên bố hợp tác với công ty lớn trong ngành khai khoáng.. Ghi nhận trong 9 tháng đầu năm 2013, giá cổ phiếu của Tập đoàn này đã tăng từ 0,25 USD lên 1,96 USD/ cổ phiếu. Tuy nhiên, ngày 1/10 là bước ngoặt lớn đối với Tập đoàn khi nhà quản lý điều tra Blumont về việc tăng giá cổ phiếu. Ngay ngày hôm sau, Goldman Sachs đã tuyên bố bán giải chấp cổ phiếu. Những ngày tiếp theo lệnh bán giải chấp ngày càng nhiều hơn. Kết quả là chỉ trong vòng 10 ngày, vốn hóa thị trường của Blumont đã "bốc hơi" 99% từ 3,9 tỷ USD còn 27 triệu USD. Trong thời kỳ đó, đã có 6,9 tỷ USD vốn hóa thị trường bị mất vì 3 doanh nghiệp niêm yết ngành khoáng sản. Nhiều công ty chứng khoán đã thông báo lỗ nhưng ông Meng Wee cũng nhấn mạnh "Có ít nhất một 1 công ty môi giới chứng khoán không lỗ".

Những sự kiện như trên không phải là điều bất thường trong hoàn cảnh hiện nay hoặc trong các chu kỳ kinh tế nhất định. Ông Meng Wee cũng cho rằng việc chuẩn bị trước sẽ giúp đánh giá tình hình và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng hơn và người làm quản trị cần phải có sự nhạy cảm với thị trường.

Ông Lim Meng Wee, Giám đốc Dự án E-Securities tại Chứng khoán Kỹ Thương

Chuyên gia Lim Meng Wee cho rằng, các công ty chứng khoán cần đánh giá và quản lý được khẩu vị rủi ro của mình – xác định mục tiêu quan trọng nhất đối với hoạt động của công ty và mức độ rủi ro có thể chấp nhận được để đạt được những mục tiêu đó. Nhận định đúng những rủi ro sẽ giúp công ty chứng khoán có biện pháp phù hợp để giảm thiểu rủi ro, bao gồm xây dựng hệ thống quản trị rủi ro tại doanh nghiệp, đào tạo nhân lực, nâng cao kiến thức về pháp luật và áp dụng thống nhất quy trình hoạt động nhằm giảm thiểu rủi ro, luyện tập phương án ứng phó với rủi ro cũng như xây dựng biện pháp khắc phục khi có những tình huống rủi ro xảy ra.