Càng ngày càng có nhiều "ông lớn" nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp cho thấy sức hút của ngành vốn được coi là bà đỡ của nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn chưa được đầu tư đúng mức này. Có dòng vốn đầu tư mới hẳn sẽ có sự thay đổi quan trọng trong diện mạo của ngành. Vậy những doanh nghiệp đã kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ lâu có kịp thức thời mà chuyển mình trước sự cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt?
Chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với ông Vũ Trọng Nghĩa - Chủ tịch HĐQT của CTCP Chế biến thực phẩm và Xuất khẩu Nông sản Nam Định (mã: NDF).
Thưa ông, khi công ty Chế biến thực phẩm và Xuất khẩu Nông sản Nam Định thay đổi từ một doanh nghiệp nhà nước sang công ty đại chúng, công ty có gặp khó khăn gì không?
Ông Vũ Trọng Nghĩa: Giống như nhiều DNNN khác, khi chuyển sang công ty đại chúng thì ưu điểm của chúng tôi là có một cơ sở hạ tầng bài bản, nhưng khó khăn nhất là cách quản lý nhà nước theo kiểu cũ rất cồng kềnh, thiếu sự quyết đoán và thiếu sắc bén trong những quyết định chiến lược của công ty.
Khi tiếp quản công ty, chúng tôi đã hoàn thiện lại bộ máy lãnh đạo, tích cực tìm nhân tố mới có kinh nghiệm trong các đơn vị khác mời về làm việc, đồng thời tìm từ trường đại học các bạn trẻ có năng lực phù hợp với nhu cầu của công ty rồi đầu tư đào tạo.
Nhưng có một việc hết sức tế nhị và khó khăn, đó là làm sao để gắn kết được người mới và người cũ. Người mới thường trẻ, chuyên môn tốt nhưng thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống và giao tiếp chưa tốt. Còn người cũ thì hay tự ái. Để hòa nhập 2 thế hệ là điều rất khó nhưng tôi nghĩ là chúng tôi đã thành công.
Ông đã làm như thế nào vậy?
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là lãnh đạo phải quan tâm và tôn trọng tất cả nhân viên. Có thể năng lực của người cũ so với thời điểm bây giờ là hạn chế nhưng đó không phải là cái xấu của người ta mà do những tồn tại cũ của cả một cơ chế. Mình cần phân tích và động viên giúp họ thấy rằng phải thay đổi để có cuộc sống tốt hơn.
Hiện giờ những người mới của công ty đều hiểu, nơi mà mình đang làm việc là do có người cũ gây dựng, còn người cũ hiểu rằng nơi mình đã gắn bó cả cuộc đời này, muốn phát triển được lên hơn nữa thì phải có người trẻ.
Khi nói về NDF, ông luôn nhấn mạnh mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi của công ty. Xin ông chia sẻ rõ hơn về mô hình này?
Hiện nay Việt Nam có một điều bất hợp lý mà các nhà làm chính sách cũng thấy nhưng chưa tháo gỡ được. Đó là trong kênh phân phối của một ngành hàng, lợi nhuận chủ yếu rơi vào tay tiểu thương. Sự phân phối không hợp lý này sẽ tiêu diệt ngành sản xuất vì khi người sản xuất không có lợi, họ sẽ từ bỏ. Tiểu thương thì vì cái lợi của mình mà khống chế người sản xuất, tạo khoảng cách với Doanh nghiệp. Trong khi đó, DN lại thiếu vùng nguyên liệu.
Sản phẩm chủ yếu của NDF là lợn sữa xuất khẩu và thịt lợn mảnh nên chúng tôi đang hợp tác trực tiếp với các trang trại chăn nuôi tại Nam Định và Thái Bình. Vừa qua chúng tôi đã đề nghị và được Bộ nông nghiệp chấp thuận về việc hợp tác sâu với trường Đại học nông nghiệp I để đưa công nghệ vào trong sản xuất. Các chuyên gia của trường sẽ hỗ trợ các trang trại trong vùng nguyên liệu của chúng tôi về giống, phương pháp chăn nuôi để có sản phẩm tốt nhất từ khâu chăn nuôi đến khi đưa vào nhà máy chế biến.
Giờ chưa thể mua 100% nguyên liệu từ các trang trại nhưng tôi định hướng năm 2015 sẽ làm được.
Chúng tôi cũng đã nhập về dây chuyền chế biến sâu trong lĩnh vực thịt lợn như xúc xích, thịt hộp, các sản phẩm thịt chín khác. Dây chuyền sản xuất xúc xích đã chính thức đi vào hoạt động. Tôi dự tính dây chuyền này sẽ làm tăng doanh thu thêm khoảng 30 tỷ đồng/năm.
Vừa rồi chúng tôi đã khởi công xây dựng nhà máy mới với toàn bộ công nghệ của châu Âu và có sự hợp tác của Hiệp hội chế biến thịt lợn của Hungari. Đó là nước tân tiến trong chế biến dược phẩm. Sẽ có từ 7 – 10 người của Hiệp hội liên tục sang đây, nằm trong nhà máy để điều hành và quản lý chất lượng sản phẩm.
Tôi tin với suất đầu tư, định hướng đầu tư thì chắc chắn thành công.
Vốn đầu tư của nhà máy mới này là bao nhiêu, thưa ông?
Riêng vốn đầu tư cho nhà máy là 200 tỷ bao gồm thiết bị và xây dựng. Nhưng với nhà máy này, tôi có thể nói là chúng tôi đầu tư 200 tỷ thì bằng người khác đầu tư 400 – 500 tỷ nếu quản lý không tốt như cung cách làm việc kiểu cũ vì chúng tôi hiểu công việc, lựa chọn đúng công nghệ và có phương pháp quản lý dòng tiền tốt.
Trong dự án này, chúng tôi có khoảng 100 tỷ, còn lại là đi vay ngân hàng.
Thưa ông, tôi thấy ông có vẻ quá chắc chắn về thành công của những dự án mới.
Tôi rất tự tin vì chúng tôi có hướng đi bài bản. Có những DN khi chọn lĩnh vực đầu tư chỉ nghĩ là sau một năm họ có gì, chứ ít nghĩ là 3 năm sau, 5 năm sau họ có gì và đi về đâu. Cũng có DN nghĩ được về dài hạn nhưng khó khăn trước mắt khiến họ không vượt qua được và phải đổi hướng. Còn chúng tôi vẫn cứ kiên trì. Trong quá trình phát triển, chúng tôi đã gặp muôn vàn khó khăn chứ có phải lúc nào cũng thuận lợi đâu.
Tôi không dám nói là mình giỏi nhưng tôi đang sống chết với ngành chế biến thực phẩm. Khi ai đó đến hỏi tôi rằng có nên khởi nghiệp hay không, tôi nói, có thể anh rất nhiều tiền nhưng nếu anh không hiểu về ngành, không hiểu những nỗi cực nhọc của nó và nỗi vất vả của người lao động mà chỉ thấy lợi nhuận thì đừng làm. Ông chủ chỉ là người bỏ tiền còn thành công là nhờ người lao động. Khi người chủ không hiểu hết nỗi vất vả của người lao động thì ông ta không thể khiến cho họ cùng mình vượt qua khó khăn được. Thất bại là điều dễ dàng xảy ra, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có người có tâm huyết nhưng không có tiền, tôi nói là nên làm. Tiền thì có anh em bạn bè, tổ chức tài chính, ngân hàng hỗ trợ. Phát triển lớn không cần nghĩ quá nhiều đến việc có bao nhiêu tiền. Dĩ nhiên tiền phải có nhưng quan trọng hơn vẫn là tâm huyết, nhiệt tình và yêu nghề.
Hơn nữa, chúng tôi còn có sự hỗ trợ rất lớn của Chính quyền địa phương.
Thế khâu phân phối có gì thay đổi so với trước không, thưa ông?
Trước đây, công ty làm theo đơn đặt hàng của khách hàng tức rất thụ động. Còn hiện tại chúng tôi chủ động vùng sản xuất, chủ động điều tiết giá và tạo thị trường bằng cách tổ chức hệ thống tiêu thụ ở các thành phố lớn. Đồng thời, chúng tôi cũng thay đổi hình thức bao bì mẫu mã và quảng cáo sản phẩm để người tiêu dùng nhận biết.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng ngành chế biến thịt của Việt Nam?
Nếu hiệp ước TPP được ký kết thì ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ đứng trước sự cạnh tranh vô cùng to lớn vì các nước như Mỹ, Nhật sử dụng công nghệ rất cao trong sản xuất nông nghiệp nên giá thành rất thấp. Còn Việt Nam đứng trong top thấp về ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến. Ngoài ra, hàng rào thuế quan bảo hộ Doanh nghiệp trong nước cũng sẽ bị dỡ bỏ. Nhưng tôi thấy những cái này không nói lên điều gì cả.
Về thịt bò, chúng ta không thể cạnh tranh! Ở các nước kia đồng cỏ mênh mông, thu hoạch bằng máy, chăn thả tự nhiên. Đất nước ta nói thế thôi chứ đồi núi nhiều, diện tích đất nông nghiệp còn để trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực, còn lại đất cho chăn nuôi rất ít.
Nhưng ngành chăn nuôi Việt Nam có thể tự tin về thịt lợn. Tập tục, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam là ăn thịt tươi. Người Nhật, người Mỹ không thể đem thịt lợn đông lạnh sang cạnh tranh. Con lợn cũng không thể vượt biển từ quốc gia khác sang đây giống như con bò vì bò ăn cỏ, đỡ hao tổn hơn trong quá trình vận chuyển và có thể đi dọc đường. Hiện nay theo tôi biết thì người ta nhập bò từ Úc sang Lào rồi đuổi bộ về Việt Nam, vừa đi vừa chăn. Nhưng con lợn thì không làm thế được. Vì vậy, ngành chăn nuôi và chế biến thịt của chúng ta có thể dựa vào con lợn để cạnh tranh.
Xin cảm ơn ông rất nhiều!
CTCP Chế biến và Xuất khẩu Nông sản Nam Định (mã: NDF) chính thức giao dịch trên sàn Hà Nội vào ngày 12/09/2014 với giá tham chiếu 14.500 đồng. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 01/10, giá cổ phiếu NDF là 36.00 đồng.
>> Doanh nghiệp kể chuyện thương trường
Bảo Ngọc