OGC: Hy vọng mong manh

Sau thông tin NHNN mua lại Oceanbank với giá 0 đồng, giá cổ phiếu OGC - Tập đoàn Đại dương lao dốc không phanh. Thị giá cổ phiếu sụt giảm xuống còn 2.800 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 3/06/2015).

Tình hình tài chính của OGC từ năm 2011 đến 2014 (biểu đồ trên: biến động giá OGC một năm qua)

Trong những phiên giao dịch đầu tháng 6, bất chấp có nhiều thông tin tiêu cực, nhưng có một động thái rất lạ, đó là lực cầu bắt đáy xuất hiện mạnh mẽ khi giá cổ phiếu OGC chạm ngưỡng 2.800 đồng/CP.

Theo phân tích của các chuyên gia kiểm toán, sự hồi phục của OGC có lẽ nằm ở OCH (Cty CP Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương). Đây chính là Cty con liên kết của OGC do ông Hà Trọng Nam (anh trai cựu chủ tịch OGC - Hà Văn Thắm - từng nổi đình đám với thương vụ mua 78,4% cổ phần Cty CP Kem Tràng Tiền - Cty sở hữu khu đất vàng 1.500 m2 tại số 35 Tràng Tiền, làm chủ tịch. Theo thông báo mới đây của HNX, OCH đã bán 7,43 triệu cổ phiếu, tương đương 49,5% vốn điều lệ Cty cho Cty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông. Hành động này của OCH được nhận định là nhằm cứu và nâng giá cổ phiếu của OGC.

Xét về hoạt động tài chính, OGC đang tiếp tục chuyển nhượng 12,15 triệu cổ phiếu OCH. Hiện giá cổ phiếu OCH trong phiên ngày 4/6 là 12.000 đồng/cổ phiếu. Cụ thể, theo kế hoạch Tập đoàn sẽ bán 20 triệu cổ phiếu OCH nhưng mới bán được 7,84 triệu cổ phiếu, khoản tiền thu về khoảng 200 tỷ đồng. Sau đợt chuyển nhượng 12,15 triệu cổ phiếu tiếp theo, OGC dự kiến thu về được gần 310 tỷ đồng. Tuy nhiên, Cty vẫn sẽ chịu gánh nặng từ chi phí lãi vay, mức chi phí này đã tăng liên tục 4 năm qua do mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính cao (tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu ở mức 182% vào cuối năm 2014). Nhờ khoản bù đắp từ việc chuyển nhượng cổ phiếu OCH kết hợp với mặt bằng lãi suất năm 2015 ở mức thấp nên PNS dự phóng lợi nhuận tài chính năm 2015 có khả năng tăng.

Theo giới phân tích, một điểm nữa khiến nhà đầu tư chùn tay khi bán tháo cổ phiếu OGC, đó là kỳ vọng vào sự phát triển doanh thu từ mảng thương mại. Hiện với chuỗi 8 siêu thị tập trung ở các thành phố lớn phía Bắc, doanh thu từ mảng thương mại vẫn đóng góp đóng góp 35% tổng doanh thu. Mặt khác, đây cũng là mảng kinh doanh OGC rất chú trọng đầu tư. Theo kế hoạch, Cty sẽ triển khai thêm 15 siêu thị đến hết năm 2015. Bên cạnh mảng thương mại thì OGC kỳ vọng doanh thu mảng khách sạn (chiếm 10% tổng doanh thu) cũng sẽ khả quan. Tập đoàn hiện đang quản lý chuỗi khách sạn 4 sao Starcity và chuỗi Resort 5 sao Sunrise như : Starcity Sài gòn, Starcity Nha Trang, Starcity Hội An,Starcity Westlake Hà Nội, Starcity Airport, Sunrise Nha Trang…

Theo đánh giá của Cty Chứng khoán Phương Nam (PNS), lĩnh vực BĐS đóng góp 40% tổng doanh thu của tập đoàn. Hầu hết các dự án của Tập đoàn tập trung tại Hà Nội và thuộc phân khúc nhà ở, văn phòng, trung tâm thương mại như dự án VNT Hạ Đình, VNT Nguyễn Trãi, tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ số 25 Trần Khánh Dư, Gia Định Plaza…

Mặc dù doanh thu từ lĩnh vực thương mại tăng, nhưng theo PNS, lợi nhuận sẽ không khả quan. Xét về mảng thương mại, đây là mảng có biên lợi nhuận gộp thấp hơn so với các mảng kinh doanh khác, OGC cũng phải đang đối mặt với tình trạng cạnh tranh khốc liệt từ các Tập đoàn nước ngoài dồi dào vốn và kinh nghiệm đang ồ ạt mở siêu thị tại VN như Aeon (Nhật Bản), E - Mart (Hàn Quốc), Big C (Pháp)…

20 triệu cổ phiếu sẽ bị bán ?

Tháng 10/2014 là thời điểm mà OGC bắt đầu quá trình lao dốc không phanh. Điển hình, phiên giao dịch ngày 23/10/2014 mở màn cho chuỗi ngày giảm điểm của OGC khi cổ phiếu này đã giảm hết biên độ khi có thông tin chủ tịch HĐQT tại OceanBank bị bắt. Sau biến cố trên thì tài khoản ngân hàng của OGC mở tại OceanBank đã bị phong tỏa, đã tác động mạnh đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu OGC. Chưa dừng lại, OGC lại "dính đòn" khi NHNN đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng.

Hiện tại, OGC đang sở hữu trực tiếp 20% cổ phần tại OceanBank. Với việc OceanBank bị mua lại với giá 0 đồng sẽ khiến Ocean Group mất trắng toàn bộ số vốn góp tại ngân hàng này là 971 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, số tiền mà OGC có khả năng mất sẽ lên tới gần 3.000 tỷ đồng do phải đối mặt với nguy cơ không thu hồi được một số khoản phải thu tại các Cty có liên quan tới OceanBank...

Kết thúc phiên giao dịch 3/6/2015, thị giá OGC chỉ còn 2.800 đồng, tức giảm 80% so với mức giá đóng cửa ngày 22/10/2014 (12.000đ). Chỉ vỏn vẹn trong hơn 7 tháng, nhà đầu tư cũng như cổ đông của tập đoàn này đã đã mất mát một số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng.

Theo chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hữu Hùng, ngoài việc bị bán tháo cổ phiếu, việc thị giá sụt giảm mạnh khiến cho giá cổ phiếu OGC không đáp ứng đủ tiêu chí vốn hóa của quỹ ETF VNM.

Một trong những tiêu chí của ETF VNM yêu cầu các cổ phiếu trong danh mục phải đảm bảo vốn hóa lớn hơn 75 triệu USD, mức giá được dùng làm cơ sở tính vốn hóa được chốt vào ngày 28/5. Dựa trên mức giá cổ phiếu hiện tại và khối lượng cổ phiếu đang lưu hành gần như chắc chắn OGC sẽ bị loại khỏi danh mục của quỹ này.

Ông Hùng phân tích, để có thể đáp ứng tiêu chí về vốn hóa của ETF VNM, thị giá của OGC phải tăng trên 2 lần so với mức giá hiện nay (tức là giá cổ phiếu phải đạt gần 7.000 đồng/cổ phiếu) và điều đó gần như không thể thực hiện được. Do vậy, với việc bị loại khỏi danh mục ETF VNM, hơn 20 triệu cổ phiếu sẽ được bán ra trong thời gian tới. Mặc dù thanh khoản của OGC đã được cải thiện đáng kể từ giai đoạn hồi phục (trung bình mỗi phiên khối lượng giao dịch đạt trên 8 triệu cổ phiếu/1 phiên), một lượng cung khá lớn trên thị trường trong lúc này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu OGC trong bối cảnh tương tai của tập đoàn chưa rõ ràng.