OCH - Kem Tràng Tiền: Duyên lành đứt gánh?

(NDH) Kem Tràng Tiền từng được ghi nhận là công ty con của OCH. Nhưng mới đây, OCH đã ký thỏa thuận dừng nhận chuyển nhượng cổ phần với ông Hà Trọng Nam và yêu cầu ông Nam trả lại toàn bộ tiền ứng trước để mua cổ phần Kem Tràng tiền.

OCH - Kem Tràng tiền: Thương vụ thâu tóm... hụt?

CTCP Tràng Tiền có trụ sở tại số 35 phố Tràng Tiền, một trong những khu đất vàng của thủ đô với diện tích 1.500 m2. Nằm ở khu vực đắc địa, công ty được định giá 3,2 tỷ đồng khi tiến hành cổ phần hóa vào năm 2000.

Vào ngày 25/10/2010, OCH đã ứng trước cho ông Hà Trọng Nam (bên liên quan của Công ty) số tiền 500 tỷ đồng theo Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần về việc OCH nhận chuyển nhượng 634.700 cổ phần, tương đương 99,17% vốn của Công ty Cổ phần Tràng Tiền từ nhóm cổ đông.

Đầu năm 2011, HĐQT CTCP Khách sạn và dịch vụ Đại Dương (mã OCH- HNX) đã phê duyệt phương án mua lại 634.700 cổ phần của CTCP Kem Tràng Tiền. Tuy nhiên, từ chủ trương của HĐQT đến việc hiện thực hóa c lại diễn ra không mấy suôn sẻ.

Phải tới ngày 31/12/2013, CTCP Kem Tràng Tiền mới trở thành công ty con của OCH. Nhưng ngày 5/6/2015, OCH và ông Hà Trọng Nam đã ký kết thỏa thuận dừng chuyển nhượng cổ phần Kem Tràng Tiền.

Theo BCTC năm 2013 được kiểm toán bởi Delloite, tỷ lệ phần sở hữu của OCH tại Kem Tràng Tiền là 78,4%, tương đương khoảng 473.600 cổ phiếu.

Kem Tràng tiền chịu sự kiểm soát trực tiếp của CTCP Bánh Girval (công ty con do OCH nắm giữ 98% vốn, tương đương giá trị khoản đầu tư là 323,4 tỷ đồng). OCH nắm giữ gián tiếp trên 50% vốn nên Kem Tràng Tiền được ghi nhận là công ty con của OCH dù giá trị khoản đầu tư được ghi nhận bằng 0.

Danh sách 8 công ty con của OCH tính đến 31/12/2013 (BCTC hợp nhất)
Riêng với BĐS Bắc Việt, OCH đã thanh lý khoản đầu tư vào ngày 31/12/2013

Còn theo BCTC hợp nhất, giá trị khoản đầu tư vào Kem Tràng Tiền là 117,6 tỷ đồng; giá trị khoản đầu tư vào CTCP Bánh Girval là 323,4 tỷ đồng. Khoản đầu tư vào hai thương hiệu bánh, kem cao cấp tương đương 41,4% giá trị khoản đầu tư vào các công ty con.

Tuy nhiên khá bất ngờ, theo BCTC hợp nhất OCH năm 2014 cũng được kiểm toán bởi Delloite, Kem Tràng Tiền đã không còn xuất hiện trong danh sách công ty con hay trong bất kỳ khoản đầu tư tài chính nào khác của OCH.

Số lượng công ty con của OCH đã giảm từ 9 công ty con xuống còn 7 doanh nghiệp.

Cụ thể, OCH đã sở hữu 100% vốn Công ty TNHH Sao hôm Nha Trang từ 1/7/2014, và không còn sở hữu cổ phần tại Tân Đại Dương, Đại Dương Xanh. Tên của công ty con Kem Tràng Tiền cũng không còn nằm trong danh sách này.

Phải chăng mối quan hệ giữa OCH - Kem Tràng Tiền đã không còn? Trong suốt giai đoạn vừa qua, không có thông tin nào từ OCH về việc chuyển nhượng khoản đầu tư tại Kem Tràng Tiền.

Tuy nhiên, tháng 5/2015, Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát VISSAI (VISSAI Group) lại bất ngờ cập nhật thêm dự án Trung tâm thương mại – Dịch vụ số 35 Tràng Tiền (Hà Nội) khiến giới đầu tư nghi ngờ khả năng CTCP Tràng Tiền đã đổi chủ và không còn nằm trong tay OCH.

Khó hiểu khoản tiền ứng trước 500 tỷ đồng

Việc OCH nhận chuyển nhượng 473.600 cổ phần Kem Tràng Tiền qua công ty con Bánh Girval cũng khá khó hiểu. Bởi khi Bánh Girval, công ty con của OCH nhận chuyển nhượng 78,4% vốn Kem Tràng Tiền ông Hà Trọng Nam đã hoàn thành một phần nghĩa vụ "chuyển nhượng cổ phần" cho OCH.

Đáng lý ra, tương ứng nghĩa vụ phải trả khoản ứng trước của ông Hà Trọng Nam phải giảm tương ứng. Vậy nhưng, khoản tiền ứng trước mà ông Nam nợ OCH vẫn không hề suy suyển.

Tới tháng 6/2015, khoản ứng trước này đã thay đổi hoàn toàn về chất: từ nghĩa vụ chuyển nhượng cổ phần Kem Tràng Tiền sang trả lại bằng tiền mặt.

Cụ thể, "Vào ngày 5/6/2015, OCH đã ký Phụ lục hợp đồng với ông Hà Trọng Nam thỏa thuận dừng thực hiện chuyển nhượng cổ phần Kem Tràng Tiền. Ông Hà Trọng Nam có nghĩa vụ hoàn trả toàn bộ gốc và lãi tối đa trong vòng 3 năm."

Nếu OCH đã nhận tới 78,4% cổ phần tại Kem Tràng Tiền thì việc yêu cầu ông Nam hoàn trả toàn bộ khoản tiền ứng trước xem ra khá vô lý?!

Thỏa thuận trên giữa ông Nam và OCH có ảnh hưởng quan trọng tới con số kế toán năm 2014 của OCH. Giá trị của khoản ứng trước này từ 500 tỷ xuống còn 0 đồng bởi OCH đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản phải thu này.

Đồng thời, lợi nhuận năm 2014 của công ty mẹ OCH sụt giảm 805 tỷ đồng từ hơn 48 tỷ đồng xuống âm 757 tỷ đồng là bởi OCH trích lập 628 tỷ đồng dự phòng khoản phải thu gồm gốc 500 tỷ đồng và lãi 128 tỷ đồng của ông Hà Trọng Nam.

Xem thêm KQKD Cty mẹ OCH

Các năm trước, OCH chưa từng trích lập dự phòng cho khoản ứng trước này dù khoản phải thu đã kéo dài qua nhiều năm. Nguyên nhân là bởi Ban Giám đốc công ty sau khi đánh giá thận trọng và tin tưởng việc chuyển nhượng trên là tuân thủ pháp luật và chắc chắn thực hiện được đã nhận định khoản phải thu này sẽ không suy giảm.

Dù mức giá 500 tỷ đồng cao gấp 156 lần giá trị công ty này khi mới cổ phần hóa vào năm 2010 nhưng trong một lần phỏng vấn, Chủ tịch HĐQT của OCH khi đó là ông Hà Văn Thắm từng khẳng định việc mua lại Kem Tràng Tiền với mức giá 500 tỷ đồng không phải là cao và sẽ không bị lỗ.

Ngoài việc bất nhất trong hạch toán khoản phải thu và khoản đầu tư vào Kem Tràng Tiền, nhiều vấn đề xung quanh thương vụ chuyển nhượng này vẫn còn khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Lý do gì khiến thương vụ giữa ông Nam và OCH đã kéo dài 5 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn tất dù ông Nam đã nhận tới 500 tỷ đồng tiền ứng trước? Số cổ phần Kem Tràng Tiền "từ nhóm cổ đông" hiện vẫn đang nằm trong tay họ hay đã sang tên cho một đối tác khác?...

Với những khó khăn thời điểm hiện tại, việc OCH mong muốn nhận tiền hơn nhận về một "công ty con" là điều không quá khó hiểu. Tính tới quý I/2015, số tiền lãi của khoản ứng trước này đã lên tới 142 tỷ đồng. Tổng số tiền ông Nam phải chi trả lên tới 642 tỷ đồng và sẽ còn tăng nếu trì hoãn thời gian trả nợ. Nếu ông Hà Trọng Nam có thể hoàn trả là số tiền trên như cam kết, OCH sẽ được hoàn nhập dự phòng. Dòng tiền cùng lợi nhuận sẽ được cải thiện đáng kể.

Ông Hà Trọng Nam hiện đang đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT OCH, đồng thời cũng là anh trai của ông Hà Văn Thắm.