Sáng nay (15/5), tại Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “ Vai trò của Thị trường chứng khoán đối với nền kinh tế” với sự tham gia của các nhà quản lý, hoạt định chính sách, chuyên gia kinh tế và đại diện của hơn 300 DNNY, công ty quản lý quỹ, CTCK.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đắc Sinh – Chủ tịch HĐQT Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh cho biết mục đích tổ chức hội thảo là cơ hội để cơ quan quản lý, nhà hoạt định chính sách, nhìn nhận đúng vai trò của TTCK trong sự phát triển của kinh tế.
Theo ông Nguyễn Thành Long – Phó chủ tịch UBCK Nhà nước nhìn nhận 15 năm qua thị trường chứng khoán đã có vị thế nhất định nhưng trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn cần có vị trí, vai trò quan trọng hơn.
Lý giải cho nhận định này, ông Long so sánh chức năng của TTCK Việt Nam ngoài đáp ứng thông lệ quốc tế như chức năng phân bổ vốn hiệu quả, thiết lập chuẩn mực quản trị, tạo nền tảng an sinh xã hội đa trụ cột thì còn hỗ trợ tái cấu trúc nền kinh tế thông qua thúc đẩy cổ phần hóa DNNN, giúp tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.
“Từ 2005 đến nay, thị trường chứng khoán đã giúp hệ thống ngân hàng tăng vốn từ 20,6 ngàn tỷ đồng lên 270 ngàn tỷ đồng, hơn 10 lần. Ngoài ra còn hỗ trợ thị trường tiền tệ để cung ứng vốn cho doanh nghiệp. Thực tế xu hướng cung ứng vốn từ TTCK tăng còn từ thị trường tiền tệ là giảm ” – ông Long chia sẻ.
Tuy nhiên, so sánh về giá trị thì vốn từ thị trường tiền tệ hiện vẫn gấp hơn 2 lần so với dòng vốn huy động từ TTCK. Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, cần tới 15 năm để xử lý sự mất cân đối trong thị trường tài chính giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn – Chủ tịch UBGSTC Quốc gia cảnh báo nếu không cải cách thị trường tài chính đặc biệt là thị trường vốn thì Việt Nam sẽ rất khó đạt và duy trì tốc độ tăng trưởng GDP 7-7,5% như giai đoạn trước đây.
Nhận định này của ông Ngoạn dựa trên đánh giá của tổ chức quốc tế về thị trường tái chính Châu Á trong đó của Việt Nam. Đến thời điểm hiện nay, độ sâu thị trường tài chính ở Mỹ, châu Âu là 6 lần còn tại châu Á là gấp 3 lần trong khi Việt Nam mới chỉ là 1,7 lần GDP.
Đánh giá thị trường vốn hiện nay, dưới khía cạnh vốn ngắn hạn và dài hạn. Phần lớn là vốn ngân hàng; trong hệ thống ngân hàng vốn huy động ngắn hạn lại là chủ yếu. Vốn ngân hàng chưa tính TPCP và DN là 65% còn tính đủ thì khoảng 80%
Thị trường tài chính có sự mất cân đối kỳ hạn rất lớn thì rủi ro rất lớn, rủi ro chung cho cả thị trường từ đó tạo rủi ro cho hệ thống ngân hàng, gây khó khăn cho chính sách tiền tệ.
Để giải quyết những bất cập đó của thị trường chứng khoán, ông Ngoạn kiến nghị cải cách thị trường tài chính dựa trên 4 tiêu chí như thông lệ quốc tế gồm: chính sách bảo vệ nhà đầu tư, chính sách xử lý phá sản, tiếp cận vốn, thực thi pháp luật.