NutiFood muốn phân chia lại thị trường sữa

NutiFood muốn phân chia lại thị trường sữa

(NDH) Ra mắt sản phẩm sữa tươi, lên kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu sữa đậu nành, Nutifood đang bước ra khỏi lĩnh vực sữa chuyên biệt để dấn thân sâu hơn vào thị trường sữa.

“Nếu giá thành sữa trong nước hiện nay là 13.000 đồng/lít thì sữa của Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ là 6.000-7.000 đồng/lít. Với Nutifood, nếu chúng tôi không hỗ trợ họ được về thị trường thì cũng sẽ hỗ trợ họ về giá", ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HAGL nói trong buổi lễ ký kết hợp tác chăn nuôi bò với Nutifood vào năm 2014. Và sự hỗ trợ về giá ấy của HAGL đã được ông Bầu Đức thực hiện khi Nutifood chính thức công bố ra thị trường dòng sản phẩm Nuti 100% từ sữa tươi vào cuối tháng 9 vừa qua.

Mặc dù, mức giá không rẻ như dự tính ban đầu, nhưng theo bầu Đức, so với sản phẩm sữa tươi cùng sản xuất theo quy trình công nghệ giống như của HAGL thì sữa tươi của NutiFood rẻ hơn khoảng 3 ngàn đồng/ lít.

Chen vào thị trường sữa tươi

“Đây có thể nói là kết quả tuyệt vời từ việc hợp tác giữa chúng tôi và HAGL. Chúng tôi có thể giảm được giá sữa rẻ hơn thị trường như vậy là nhờ HAGL đã bán giá tốt cho chúng tôi. Giá thành của chúng tôi phụ thuộc vào giá nguyên liệu đầu vào rất nhiều”, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty NutiFood giải thích về mức giá cạnh tranh của sữa Nuti.

Thực tế, mức giá cạnh tranh của sữa Nutifood đã được các chuyên gia dự báo từ trước, vấn đề chỉ là HAGL sẽ bán cho Nutifood với giá bao nhiêu mà thôi. Bởi, trong chăn nuôi bò thì thức ăn chiếm tỷ trọng rất lớn trên giá thành, trong khi HAGL đang nắm trong tay lợi thế này từ nguồn phụ phẩm trồng trọt, sản xuất mía đường, bắp, cọ dầu… Bên cạnh đó, với diện tích trồng cỏ lên đến 3.4000 ha, thuận lợi nguồn nước và áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp khiến bò cho sữa với năng suất rất tốt.

Dự án Hợp tác chăn nuôi bò sữa giữa HAGL và NutiFood được ký kết vào tháng 6.2014 với tổng kinh phí cho dự án hơn 11 ngàn tỷ đồng trong đó HAGL đầu tư 6.300 tỷ đồng để phát triển đàn bò sữa với số lượng 120 ngàn con còn NutiFood đầu tư xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai với kinh phí 5000 tỷ đồng công suất 500 triệu lít sữa một năm để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại Hoàng Anh Gia Lai.

Sau hơn 1 năm kể từ lúc bắt đầu ký kết dự án, đến nay trong khi nhà máy của Nutifood đang bước vào những công đoạn cuối cùng cho giai đoạn đầu, thì đàn bò sữa của HAGL đã có gần 10 ngàn con trong đó có hơn 5 ngàn con cho sữa với sản lượng mỗi ngày hơn 100 tấn. Hiện toàn bộ số sữa này được đưa về nhà máy sữa NutiFood tại Bình Dương để cho ra sản phẩm Nuti sữa tươi 100 % và sữa chua Nuti.

Khả năng thực thi của Bầu Đức là rất cao, nên thật khó tin cho những ai không tận mắt chứng kiến hệ thống đàn bò sữa tại trang trại Dăkyă ở Gia Lai của HAGL. Một đồng cỏ voi với diện 700ha xa tít tới chân trời. Từng đàn bò sữa tự động đi vào hệ thống máy vắt sữa và tự động đi ra một cách thuần thục.

Đàn bò sữa tự động đi ra khỏi chuồng sau khi được vắt sữa

Quy mô đàn bò sữa hiện tại của HAGL vẫn còn khiêm tốn, do vậy trong một thời gian ngắn thì dấu ấn mà Nutifood có thể tạo ra cho thị trường sữa tươi là chưa lớn, nhưng rõ ràng nếu một khi HAGL phát triển đàn bò lên đến 120.000 con như kế hoạch thì Nutifood sẽ là một đối thủ mới đáng gờm cho các doanh nghiệp ngành sữa.

Theo thống kê của Euromonitor và Nelsen trong năm 2013 lĩnh vựa sữa nước đóng góp 29% trong giá trị ngành sữa, tương đương với 18.000 tỷ đồng. Thị phần sữa nước cho đến thời điểm này chủ yếu thuộc về Vinamilk 49%, Freesland Campina 26%, TH True Milk năm 7,7%. Nutifood lúc này vẫn chưa có thị phần trong nhóm sữa này nhưng có lẽ một vài năm nữa thống kê của các công ty nghiên cứu sẽ phải thay đổi khá nhiều.

Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, nguồn cung sữa tươi trong nước không đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất sữa nước, do đó 70% sữa nước hiện được sản xuất từ sữa hoàn nguyên. Trong khi đó, nhu cầu sữa tiệt trùng UHT và sữa thanh trùng (hai loại sữa nước) lại ngày càng tăng cao nhờ sự thay đổi nhận thức của người tiêu dùng đối với các sản phẩm bổ dưỡng hơn. Và để có thể cạnh tranh được trong mảng sữa nước là phải đảm bảo nguồn cung sữa tươi. Và muốn có sữa tươi thì không gì khác là phải làm chủ được đàn bò.

Trong một lần trả báo chí về việc tại sao không tăng lượng nguyên liệu nhập khẩu thay vì đầu tư nuôi bò, Chủ tịch Mai Kiều Liên của Vinamilk cho rằng nhu cầu về sữa tươi trong xã hội phát triển là tất yếu; và để làm ra sữa tươi tiệt trùng hay sữa chua thì đòi hỏi 100% nguyên liệu phải là sữa tươi được vắt ra từ bò.

Đàn bê con đang được nuôi dưỡng ở trang trại Đăkyă

Và Nutifood đang có lợi thế hơn ai hết. Để dễ so sánh, Vinamilk tuy là doanh nghiệp đầu tàu ngành sữa Việt Nam nhưng hiện chỉ có trong tay đàn bò gần 9.000 con, và có kế hoạch tăng lên 25.500 con trong vài năm tới. Còn TH True Milk dù là tay chơi mới đáng chú ý nhưng cũng mới có đàn bò 35.000 con, và dự định nâng lên 100.000 con.

Vẽ lại thị trường sữa đậu nành?

Sau liên kết với Hoàng Anh Gia Lai nuôi bò đã cho ra nguồn sữa tươi chất lượng với giá thành cạnh tranh, NutiFood lại tiếp tục hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành.

Theo ông Trần Thanh Hải, HAGL với thế mạnh có sẵn là đất đai, kinh nghiệm làm nông nghiệp công nghệ cao có thể phát triển đàn bò sữa với chất lượng và năng suất tốt. Và kết quả là Nutifood đã có sản phẩm sữa tươi 100% với giá rất cạnh tranh. Từ thành công đó khiến ban lãnh đạo Nutifood nghĩ tới một sự hợp tác tiếp theo là phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành.

Cụ thể, trong dự án liên kết phát triển nguồn nguyên liệu sữa đậu nành, viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam sẽ nghiên cứu giống và trồng thực nghiệm để cho ra những loại đậu tương với năng suất cao, chất lượng tốt. Hoàng Anh Gia Lai sẽ dành quỹ đất khoảng 1000 ha để trồng đậu tương và trong 5 năm tới quỹ đất dự kiến lên tới 3000 ha. NutiFood sẽ bao tiêu toàn bộ sản lượng đậu tương, dự kiến năm đầu tiên khoảng 2500 tấn cho ra khoảng 3,5 triệu lít sữa đậu nành và khoảng 20 ngàn tấn trong những năm tiếp theo để sản xuất khoảng 185 triệu lít sữa đậu nành/ 1 năm.

Đồng cỏ voi ngút ngàn ở Gia Lai

Nói về sự hợp tác này, ông Trần Thanh Hùng, Tiến sĩ, Viện trưởng Viện KHKT Nông Nghiệp Miền Nam cho rằng, nhà nước đang rất khuyến khích mô hình liên kết hợp tác như thế này vì sẽ tận dụng thế mạnh được của các bên.

“Các cụ vẫn nói muốn làm nông nghiệp thành công thì phải có các yếu tố “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” thì tôi thấy trong dự án hợp tác này đều có đủ cả. “Nước” thì Trang trại của Hoàng Anh Gia Lai nằm ở gần các con sông, lại áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel, vừa tiết kiệm nước, vừa hiệu quả, “phân” đã có nguồn dồi dào từ trang trại chăn nuôi bò sữa và bò thịt, “cần” thì tôi nghĩ nhân lực cũng như máy móc hiện đại tối tân của HAGL là quá đủ và “giống” thì chúng tôi tự tin là mình có thể nghiên cứu ra được những giống đậu tương vừa chất lượng vừa cho năng suất cao. Cái quan trọng không kém trong nông nghiệp là đầu ra thì đã có NutiFood bao tiêu sản phẩm rồi. Với những yếu tố đó, chúng tôi tin sự liên kết này sẽ mang lại thành công và nhiều lợi ích cho các bên”, ông Trần Thanh Hùng chia sẽ.

Mặc dù chỉ là mới bước đầu của dự án, nhưng việc tham gia vào lĩnh vực này cho thấy tầm nhìn chiến lược của ban lãnh đạo Nutifood.

Việt Nam đứng thứ tư trong số các quốc gia tiêu thụ sữa đậu nành nhiều nhất thế giới với tiêu thụ hàng năm đạt 500 triệu lít trong năm 2012, sau Trung Quốc, Thái Lan và Mỹ. Trong năm 2013, tiêu thụ tiếp tục tăng 17%, cao hơn mức tăng của sữa nước và sữa bột. Trên thực tế, người Việt Nam đang chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe, và sữa nước không có lactose đã giúp đẩy mạnh tăng trưởng của sữa đậu nành. Tuy nhiên, chỉ có số ít công ty tham gia sản xuất sữa đậu nành, trong khi các nhà sản xuất lớn cạnh tranh mạnh mẽ ở phân khúc sữa nước và sữa bột.

Theo khảo sát của AC Nielsen trong tháng 2.2014, Đường Quãng Ngãi là nhà sản xuất sữa đậu nành lớn nhất ở Việt Nam xét về công suất và thị phần. Công ty được biết đến với thương hiệu Fami và Vinasoy, chiếm 81,5% thị phần, trong khi 18,5% thị phần còn lại thuộc về Vinamilk (thương hiệu Goldsoy) và Tân Hiệp Phát (thương hiệu Soya Number One). Sản lượng sản xuất sữa đậu nành chỉ chiếm 25% tổng lượng sữa tiêu thụ hàng năm, 75% còn lại là sữa tự nấu.