NTP: Hàng ‘hot’ khi SCIC thoái vốn

(NDH) Trong phiên sáng ngày 20/10 cổ phiếu NTP đã có thời điểm được kéo lên mức giá trần (62.700 đồng/CP), tức tăng tới 26,4% so với mức giá tại ngày văn bản 1787/TTg-ĐMDN được công bố (13/10).

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản 1787/TTg-ĐMDN cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã VNM), Công ty Cổ phần FTP (FPT), Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP)…

Trong số các cổ phiếu niêm yết nằm trong diện thoái vốn của SCIC nói trên, NTP có lẽ đang trở thành hàng ‘hot’ trên thị trường với mức tăng hết sức ấn tượng.

Tính đến hết ngày 19/10/2015, cổ phiếu NTP đứng ở mức giá 57.000 đồng/CP, tức tăng tới 14,9% so với mức giá 49.500 đồng/CP tại ngày 13/10. Đáng chú ý, trong phiên sáng ngày 20/10 cổ phiếu NTP đã có thời điểm được kéo lên mức giá trần (62.700 đồng/CP), tức tăng tới 26,4% so với mức giá tại ngày văn bản 1787/TTg-ĐMDN được công bố. Bên cạnh đó, thanh khoản của cổ phiếu NTP cũng đã được cải thiện đáng kể so với trước đó.

Được biết, tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước tại SCIC là 37,1%. Giá trị thực tế (phần vốn Nhà nước) là 230 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong danh sách cổ đông của công ty còn có nhà đầu tư ngoại từ Thái Lan nắm gần 24%, trong tổng số 36% cổ phần thuộc về nhà đầu tư nước ngoài.

Trước đó, CTCP Chứng Khoán Bản Việt (VCSC) đã có nhận định động thái này có thể mở đường cho sự tham gia nhiều hơn của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty trên, nếu các công ty này được cho phép và quyết định sẽ nâng tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài (FOL). Danh sách các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy định rõ liệu các công ty có được phép nâng FOL hay không, dự kiến sẽ được công bố trong tháng 10/2015.

Việc thông tin SCIC sẽ thoái vốn khỏi NTP rõ ràng đang đang tạo hiệu ứng rất tốt tới cổ phiếu này.

Diễn biến giá cổ phiếu NTP

Kết quả kinh doanh kỳ vọng tăng trưởng tích cực

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sản lượng tiêu thụ của NTP có thể tăng trưởng tốt nhờ thị trường bất động sản khả quan. Mặc dù quý III thường là quý thấp điểm do mùa mưa, tuy nhiên tình hình tiêu thụ các loại vật liệu xây dựng trong quý III năm nay đều khả quan nhờ tình hình thị trường bất động sản tích cực.

Sản lượng tiêu thụ quý III/2015 của NTP ước tính đạt khoảng 18.000 tấn, tăng trưởng 26,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 9 tháng đầu năm, NTP có thể tiêu thụ được khoảng 51.000 tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2014. Giá bán đầu ra không thay đổi trong quý III/2015.

Trong quý III/2015, BVSC ước tính NTP có thể đạt 900 tỷ VNĐ doanh thu và 70 tỷ VNĐ lợi nhuận sau thuế, tăng khoảng 4,7% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của NTP có thể đạt khoảng 244 tỷ VNĐ sau thuế, tăng 6% so với năm 2014.

Cả năm 2015, tổng sản lượng tiêu thụ của NTP năm 2015 có thể đạt 71.773 tấn, tăng 22% so với năm 2014. Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2015 của NTP có thể đạt tương ứng 3.587 tỷ VNĐ và 348 tỷ VNĐ, tăng 20% về doanh thu và 7% về lợi nhuận so với năm 2014.