NT2 tiềm ẩn rủi ro

Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, (NT2) thu hút sự quan tâm của NĐT nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và việc ETF đưa vào rổ chỉ số trong đợt tái cơ cấu danh mục quý III. Tuy nhiên, bên cạnh hiệu suất hoạt động, NT2 vẫn tiềm ẩn nhiểu rủi ro.

CP đầu ngành điện

CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 - NT2 là công ty hoạt động với vị thế đứng đầu trong ngành điện với vốn điều lệ 2.560 tỷ đồng và hiện đang sở hữu nhà máy tuabin khí chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 2. Đây là một trong những nhà máy điện lớn nhất khu vực phía Nam với công suất 750MW, lắp đặt tại khu công nghiệp Ông Kèo (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), gần trung tâm phụ tải miền Đông Nam bộ.

NT2 được đánh giá có rất nhiều ưu điểm vượt trội so với các nhà máy nhiệt điện trong ngành như: vị trí nhà máy nằm gần trung tâm phụ tải nên nhận được ưu tiên huy động để bù đắp sản lượng điện thiếu hụt, đặc biệt vào mùa khô; nguồn nhiên liệu chính đầu vào là khí đốt từ mỏ Nam Côn Sơn được đảm bảo trong hợp đồng mua bán khí lên đến 25 năm; giá bán điện được tính bằng đồng USD nhờ đó chuyển được phần rủi ro tỷ giá do giá khí cũng được tính theo USD, đồng thời hạn chế được rủi ro mất giá của đồng nội tệ; máy móc thiết bị hiện đại được cung cấp bởi Siemens, nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu hơn so với các nhà máy tuabin khí cùng khu vực.

Đặc biệt, NT2 có hợp đồng bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được ký chính thức lên đến 10 năm, hợp đồng này lập theo Thông tư 41, do đó giá bán điện đủ bù đắp các chi phí, kể cả việc giá khí tăng theo lộ trình hàng năm.

CP ngành điện giao dịch ở mức P/E khoảng từ 6-8x (trung bình ngành khoảng 8,6x), thấp hơn hẳn so với các nước trong khu vực. Điều này cho thấy phần nào rủi ro trong cơ chế, chính sách của ngành do bản chất vẫn chịu chi phối bởi vấn đề độc quyền của EVN.

Dù hoạt động khá hiệu quả nhưng đến năm 2014, mã NT2 vẫn chỉ giao dịch trên sàn UPCoM. Đến giai đoạn nửa cuối năm 2014, nhờ kết quả hoạt động kinh doanh khả quan và được hỗ trợ thêm nhiều yếu tố khác, NT2 chính thức chuyển sang niêm yết sàn HOSE ngày 12-6.

Quyết định chuyển sàn niêm yết sang HOSE đã giúp NT2 có những lúc vượt qua CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) và trở thành CP điện có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn HOSE. NT2 càng thêm thu hút khi mới đây quỹ VNM ETF công bố đưa mã này vào rổ chỉ số trong đợt tái cơ cấu quý III. Theo đó, NT2 sẽ được mua vào hơn 16 triệu CP (đã hoàn tất mua vào trong phiên giao dịch cuối tuần vừa qua).

Rủi ro kép

Tuy nhiên, theo CTCK FPT (FPTS), đầu tư vào NT2 thời điểm hiện tại có một số rủi ro. Thứ nhất là rủi ro từ tỷ giá. Tính đến cuối năm 2014, cơ cấu khoản vay của NT2 bao gồm 146,1 triệu USD và 133,5 triệu EUR. Tính đến ngày 16-9-2015, khoản lỗ từ tỷ giá ghi nhận 110,89 tỷ đồng. Trong khi đó, dự kiến lợi nhuận sau thuế 2015 ước đạt 200 tỷ đồng, đồng nghĩa với lợi nhuận có thể giảm 44,5% theo con số này.

Điều đáng nói là từ nay đến cuối năm nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) cân nhắc quyết định nâng lãi suất sau 7 năm. Lãi suất tăng khiến đồng USD sẽ mạnh lên và áp lực lỗ tỷ giá sẽ còn tăng mạnh đối với NT2 trong tương lai. Năm 2012 và 2013, NT2 từng bị lỗ tỷ giá lần lượt 64 tỷ đồng và 304 tỷ đồng.

Ngoài rủi ro về tỷ giá, NT2 đang đối mặt với thông tin về khoản 11 triệu USD nhận từ TCTCP Khí Việt Nam (GAS) do hồi tố giá khí từ 2011 có thể sẽ không được ghi nhận toàn bộ số ngoại tệ này. Nguyên nhân NT2 sẽ phải đàm phán với EVN do hợp đồng PPA giữa NT2 và EVN đã có điều khoản chuyển tất cả chi phí nhiên liệu khí qua giá điện, nên NT2 cũng được ghi nhận giá điện hợp đồng cao hơn.

Vì vậy, khi có sự thay đổi về cơ chế giá khí theo thị trường, NT2 sẽ phải đàm phán lại với EVN để điều chỉnh giá điện mới cho phù hợp với cách tính của Thông tư 56/2014/TT-BCT. Ở chiều đàm phán này, NT2 sẽ phải trả lại cho EVN một khoản hồi tố do được ghi nhận giá điện cao trong giai đoạn trước.

Một vấn đề có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của NT2 là không được hưởng chung mặt bằng giá khí với các doanh nghiệp cùng sử dụng khí từ mỏ Nam Côn Sơn. Giá khí bình quân của NT2 năm 2014 khoảng 5,6 USD/MMBTU, cao hơn giá trên bao tiêu bình quân ở bể Nam Côn Sơn.

Bên cạnh đó, giá khí này còn được điều chỉnh tăng với tỷ lệ 3%/năm. Giá thành bị đội lên sẽ gây khó khăn cho công tác chào giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (VCGM) trong tương lai.

Xem thêm

NT2: Đáng giá 32.000 đồng/cổ phiếu