Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 631,47 điểm, giảm 3,99 điểm (-0,63%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 155 triệu đơn vị, trị giá 3.213,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 75 mã tăng, 144 mã giảm và 87 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 85,58 điểm, giảm 0,92 điểm (-1,06%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 50,9 triệu đơn vị, trị giá 647,9 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng, 135 mã giảm và 168 mã đứng giá.
Về cuối phiên giao dịch, áp lực bán tăng cao đã đẩy hàng loạt các cổ phiếu lớn trên cả hai sàn lùi xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, các cổ phiếu như BVH, STB, PVS, VND, LAS, KLS… đã giảm giá khá mạnh. Khép phiên giao dịch, BVH tiếp tục giảm 2.000 đồng xuống còn 52.000 đồng/CP. STB giảm 400 đồng xuống 18.600 đồng/CP. KLS giảm 500 đồng xuống 9.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.
Việc nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường giảm mạnh nên cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều lùi xuống dưới mốc tham chiếu cũng là điều dễ hiểu.
Phiên hôm nay trên thị trường có một số cổ phiếu gây được sự chú ý khá lớn, điển hình là mã KDC. Cuối phiên giao dịch, KDC đã được đẩy lên mức giá trần và khớp lệnh hơn 8 triệu cổ phiếu. Tương tự PLC cũng đã tăng kịch tràn lên mức 31.600 đồng/CP. Hai cổ phiếu trên tăng mạnh là nhờ vào thông tin hỗ trợ liên quan đến việc KDC trả cổ tức đặc biệt còn PLC công bố BCTC quý II/2015 với lợi nhuận gấp đôi cùng kỳ.
Trong khi đó, phiên hôm nay, NT2 bất ngờ tăng mạnh 1.200 đồng lên 24.200 đồng/CP và khớp lệnh được mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 10,59 triệu đơn vị, trong đó, khối ngoại mua vào hơn 1,2 triệu cổ phiếu. Hiện tại vẫn chưa có thêm thông tin đặc biệt nào liên quan tới NT2 được công bố. Trước đó, NT2 đã công bố BCTC 6 tháng đầu năm 2015 với lợi nhuận đạt 622 tỷ đồng, hoàn thành 99,28% kế hoạch.
Ở chiều ngược lại, PDR giảm mạnh 700 đồng xuống còn 19.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 3,6 triệu đơn vị, có thời điểm trong phiên giao dịch, PDR đã bị kéo xuống mức giá sàn. Hiện tại, chưa rõ nguyên nhân gì khiến PDR giảm đột ngột như vậy.
Mã OGC đã bị kéo xuống mức giá sàn và khớp lệnh hơn 4,2 triệu đơn vị. Được biết, ĐHĐCĐ thường niên 2015 của OGC đã diễn ra sáng nay. Theo đó, tờ trình miễn nhiệm ông Hà Văn Thắm chỉ được 52% cổ đông thông qua, còn lại phần lớn không có ý kiến. Theo quy chế bầu cử, tờ trình này không được thông qua. Tuy nhiên, căn cứ luật Doanh nghiệp, do sự vắng mặt và những sự kiện xung quanh ông Hà Văn Thắm, ông Thắm đương nhiên bị miễn nhiệm.
Giao dịch trên thị trường phiên hôm nay diễn ra khá sôi động, thanh khoản hai sàn vọt lên mức gần 3.900 tỷ đồng. Dòng tiền tập trung khá mạnh vào các cổ phiếu lớn như KDC, SSI, MBB, SHB…
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 637,85 điểm, tăng 2,39 điểm (0,38%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 87,76 triệu đơn vị, trị giá 1.940,8 tỷ đồng. Toàn san có 71 mã tăng, 122 mã giảm và 113 mã đứng giá.
Về cuối phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng trên sàn HOSE như VCB, BID và CTG đã nhích lên trên mốc tham chiếu và tạo động lực khá lớn giúp duy trì sắc xanh của chỉ số VN-Index. Khép phiên sáng, VCB tăng 1.500 đồng lên 52.500 đồng/CP. BID tăng 200 đồng lên 26.500 đồng/CP.
Bên cạnh đó, một số cổ phiếu lớn khác như VIC, KDC, MSN, DPM… cũng đã đồng loạt tăng giá. Đáng chú ý, KDC tiếp tục được gom mạnh nhờ tin cổ tức đặc biệt. Tuy nhiên, lực bán cũng khá dồi dào đã khiến KDC tuột khỏi mức giá trần và chỉ còn tăng 2.400 đồng lên 50.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh vọt lên gần 6,4 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, KDC vẫn chưa phải là cổ phiếu khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE. Phiên sáng nay, NT2 tăng mạnh 800 đồng lên 23.800 đồng/CP và bất ngờ khớp lệnh được tới hơn 6,9 triệu đơn vị.
Chiều ngược lại, các mã như EIB, STB, SSI, MBB, GAS… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu và khiến chỉ số VN-Index không thể bật tăng mạnh.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 86,34 điểm, giảm 0,15 điểm (-0,18%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 27,87 triệu đơn vị, trị giá 352,45 tỷ đồng. Toàn sàn có 43 mã tăng, 109 mã giảm và 212 mã đứng giá.
Khác với sàn HOSE, do thiếu lực đỡ từ các cổ phiếu có tính dẫn dắt nên chỉ số HNX-Index vẫn tiếp tục giảm điểm nhẹ. Các cổ phiếu như PVS, SCR, KLS, LAS, VND… đã đồng loạt giảm giá. Trong đó, PVS giảm 300 đồng xuống còn 26.400 đồng/CP. VND giảm 100 đồng xuống 15.600 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị.
Chiều ngược lại, các mã như ACB, SHB, BCC… vẫn duy trì được sắc xanh khá tốt. Trong đó, SHB tăng 100 đồng lên 8.800 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 2,3 triệu đơn vị.
Thị trường bước vào phiên giao dịch mới với sự tích cực đến từ cổ phiếu KDC. KDC đã công bố thông tin về kế hoạch chia cổ tức đặc biệt năm 2015, với mức chi trả cổ tức khủng 200%. Ngay từ đầu phiên giao dịch, KDC đã được kéo lên mức giá trần, với khối lượng khớp lệnh tăng vọt lên mức hơn 4 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, khá nhiều cổ phiếu lớn khác trên sàn HOSE như VIC, VCB, VNM, CTG… đã bật tăng. Trong đó, VIC đang tăng 50 đồng lên 44.500 đồng/CP. VCB cũng tăng 500 đồng lên 51.500 đồng/CP.
Chiều ngược lại, các cổ phiếu dòng chứng khoán sau phiên tăng mạnh hôm qua thì hiện giờ đã điều chỉnh giảm trở lại. Các cổ phiếu như SSI, HCM, VND, SHS… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu. SSI đang giảm 300 đồng xuống còn 28.000 đồng/CP. HCM giảm 100 đồng xuống 38.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn khác như MBB, MSN, PVD, GAS, PVS… cũng đã đồng loạt giảm giá.
Đến 09:33, chỉ số VN-Index đứng ở mức 634,89 điểm, giảm 0,57 điểm (-0,09%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 17,9 triệu đơn vị, trị giá 479 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 86,32 điểm, giảm 0,17 điểm (-0,20%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 7 triệu đơn vị, trị giá 79,59 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng nhịp tăng nhẹ trong phiên chưa xác nhận đà hồi phục bền vững của thị trường, đặc biệt là khi lực cầu chưa cho thấy sự chiếm lĩnh so với lượng cung. Trong khi đó, các kỳ vọng về TPP vẫn chỉ lặp đi lặp lại và tập trung tại một vài cổ phiếu cụ thể. Hơn thế nữa, hiện tại thị trường còn phải đối mặt với rủi ro có thể chịu ảnh hưởng xấu từ phía thị trường Trung Quốc. Do vậy, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, giữ trạng thái danh mục và/hoặc cơ cấu danh mục sang các cổ phiếu có cả thanh khoản cùng yếu tố cơ bản tốt và kết quả kinh doanh nổi bật trong Quý 2 vừa qua.
Sự kiện đáng chú ý ngày 28/7/2015
ABT: Ngày GD không hưởng quyền tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2015 bằng tiền mặt, tỷ lệ 15%.
DXG: Ngày GD 10.618.101 CP niêm yết bổ sung.
GDT: Ngày GD 2.074.472 CP niêm yết bổ sung.
NBP: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2014 bằng tiền mặt, tỷ lệ 10%.