Ảm ảnh… kỳ báo cáo
Bất kỳ tài liệu quản trị doanh nghiệp nào cũng khuyên lãnh đạo nên hoạch định chiến lược phát triển trong tầm nhìn dài hạn, tránh xu hướng chụp giật ngắn hạn. Và người ta cũng thường khuyên nhà đầu tư nên nhìn vào triển vọng phát triển dài hơi của doanh nghiệp. Nhưng nói vậy với doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam có lẽ… là không thực tế!?
Dù lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định trong 5 năm nữa, lợi nhuận Công ty sẽ đạt 300 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 300 tỷ đồng, nhưng nếu doanh nghiệp lỗ nhẹ, hòa vốn trong 2 năm đầu cũng rất dễ bị nhà đầu tư tẩy chay.
"Chúng tôi luôn chịu sức ép lợi nhuận rất lớn từ nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư lướt sóng, nhưng tham gia vào công ty với tỷ trọng lớn. Họ tạo sức ép công ty phải có lợi nhuận trong các kỳ báo cáo quý, trong khi có các dự án phải chấp nhận tốn chi phí đầu tư và thâm nhập thị trường và xây dựng thương hiệu giai đoạn đầu, để giai đoạn sau có lãi lớn", Tổng giám đốc một doanh nghiệp niêm yết ngành thực phẩm nói.
Với các doanh nghiệp ngành sản xuất, áp lực từ việc giảm lợi nhuận báo cáo trong ngắn hạn do các dự án mới có thể sẽ không quá lớn, khi có nguồn thu gối đầu từ hoạt động thường xuyên khác. Nhưng với các công ty thuần lĩnh vực đầu tư, nhất là nhóm CTCK có thu nhập chính từ đầu tư chứng khoán, đây mới thực sự là nỗi ám ảnh.
"Đôi khi chúng tôi cảm thấy thực sự căng thẳng vào mỗi kỳ lập báo cáo tài chính. Công ty muốn đầu tư dài hạn, nhưng lợi nhuận thì luôn phải có trong mỗi 3 tháng để làm vừa lòng nhà đầu tư. Thành ra, đôi khi chúng tôi phải phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều giữa việc "bán lúa non" danh mục đầu tư để làm đẹp sổ sách, hay chấp nhận "xào nấu" số liệu với việc để mặc thị trường phản ứng", Tổng giám đốc một CTCK niêm yết cho biết.
Áp lực… giá cổ phiếu
Có những ngày, chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp niêm yết nhận được hàng chục cuộc điện thoại của NĐT, mà nội dung các cuộc nói chuyện đều xoay quanh câu hỏi: Giá liệu đã giảm đến đáy chưa? Vì sao giảm? Công ty có bất thường gì không? Khi nào nên mua vào?...
"Giá giảm thì NĐT mất tiền, nên đương nhiên họ lo lắng. Nhưng chúng tôi không thể can thiệp vào giá cổ phiếu, mà chỉ có thể cố gắng kinh doanh tốt và công bố thông tin đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, biến động giá chỉ trong ngắn hạn, còn dài hạn thì thị trường sẽ vẫn phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp. Có điều, nhà đầu tư không muốn chấp nhận những thiệt hại đó", vị này cho biết.
Đại chúng hóa DN đồng nghĩa với việc nhất cử nhất động của lãnh đạo DN đều bị "soi" |
Câu chuyện về giá cổ phiếu và áp lực với ban lãnh đạo có lẽ xảy ra với hầu hết các doanh nghiệp niêm yết, nhất là những doanh nghiệp mà cổ phiếu có tính thị trường cao. Trên các diễn đàn, chuyện tung hô khi giá lên hay chửi rủa khi giá xuống diễn ra như cơm bữa. Và diễn biến giá cổ phiếu này càng đặt áp lực lớn lên ban lãnh đạo doanh nghiệp khi cùng thời điểm có giao dịch cổ phiếu của thành viên ban lãnh đạo.
Gần đây nhất, trong thư gửi nhà đầu tư đăng trên trang facebook của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII), ông Lê Quốc Bình đã phải thốt lên: "Sau khi tôi đăng ký bán 8,5 triệu cổ phiếu CII, tôi đã nhận được rất nhiều sự lên án của cộng đồng nhà đầu tư, sự oán trách của các cổ đông cũng như sự phê phán của bạn bè, đồng nghiệp, đối tác. Thế nhưng, bên cạnh những oán trách mà tôi có thể tự mình chịu dựng được, tôi đã rất đau lòng khi có người đã phát biểu với đại ý rằng (tôi không nhớ chính xác về lời phát biểu) "hành động của tôi (về hoạt động của CII, mua bán cổ phiếu CII…) không chỉ làm nhà đầu tư thua lỗ mà còn đẩy cả gia đình họ vào ngõ cụt. Tôi đã khóc khi đọc những tâm sự này".
Còn nhớ, tại cuộc họp ĐHCĐ của một doanh nghiệp ngành bất động sản ở Hà Nội 6 năm trước, chủ tịch doanh nghiệp này đã nói rất thẳng: "Xin phép cho tôi từ chối hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư tài chính. Các bạn vào mua cổ phần của chúng tôi, chúng tôi được hỗ trợ vốn nên cũng rất muốn hỗ trợ ngược lại các bạn, sẵn sàng ra thông tin, ra kết quả kinh doanh. Nhưng, cuối cùng thì công ty bị phá nát bởi mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn của các bạn và từ nay, tôi không muốn hợp tác gì nữa".