Trong bố cảnh Fed được dự đoán nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp này, các công ty chứng khoán, các nhà phân tích, đầu tư đang tìm cách đưa ra những kịch bản cho thị trường.
Nhận định về diễn biến của tuần này, đa số các công ty chứng khoán đưa ra quan điểm trung lập. CTCK SHS nhận định tâm lý chờ đợi kết quả của cuộc họp Fed sẽ đè nặng lên diễn biến dòng tiền, khiến thị trường khó định hình xu hướng.
CTCK BIDV (BSC) cho rằng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đều có vẻ đã chuẩn bị cho khả năng tăng lãi suất của Fed, do đó tác động của sự kiện này đã phần nào phản ánh vào giá cổ phiếu, nên thị trường có thể sẽ tích lũy và tạo đáy ngắn hạn quanh 561 điểm.
CTCK ACBS lại đánh giá xu hướng thị trường vẫn chưa tích cực, khi kỳ vọng Fed tăng lãi suất sẽ gây thêm áp lực lên tỷ giá, theo đó tiếp tục ám ảnh thị trường và khiến khối ngoại đẩy mạnh rút vốn. ACBS cho rằng ít có khả năng thị trường sẽ phục hồi ổn định trước kỳ họp của Fed vào ngày 15-16/12, nên cần chờ đợi kết quả cuối cùng của cuộc họp để đánh giá triển vọng lãi suất và tỷ giá trước khi quyết định giải ngân.
Theo CTCK KIS Việt Nam, khả năng Fed tăng lãi suất đã được phản ánh đáng kể vào đợt giảm vừa qua. Tuy nhiên, KIS cho rằng thị trường sẽ chỉ ổn định và tăng trở lại với 3 điều kiện: 1) nhà đầu tư nước ngoài dừng bán ròng; 2) Thị trường thế giới phục hồi và 3) Dòng tiền tham gia thị trường cải thiện. Nhưng để đạt được điều đó, KIS cho rằng sẽ còn mất nhiều thời gian.
CTCK Maritime Bank (MSI) đánh giá thị trường sẽ có những tín hiệu tích cực hơn trong tuần này.
Trong khi các công ty chứng khoán phần lớn đi theo hướng trung lập, nhưng theo một chuyên gia của CTCK SSI thì thị trường vẫn nghiêng về hướng bất lợi nhiều hơn.
Ông Trần Quang Bình, Trưởng phòng môi giới Chi nhánh Mỹ Đình của SSI, nhận định thị trường tuần này sẽ có phiên tăng phiên giảm, nhưng tựu chung vẫn đi xuống.
Theo ông Bình, tuần này có một số điểm cần cân nhắc. Thứ nhất, đây đang là thời điểm cuối năm, là thời gian sắp sửa nghỉ tết của các quỹ, các nhà đầu tư nước ngoài (Phương Tây). Thứ hai, có thể Fed tăng lãi suất không nhiều, nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng tương đối đến Việt Nam. Điều đáng lo nhất là việc phá giá đồng VND trong năm tới, với 90% khả năng là xảy ra vào đầu năm, vì thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hay điều chỉnh tỷ giá. Thứ ba, đây là tuần cuối để 2 quỹ ETF là FTSE và V.N.M chốt danh mục sau khi đã rà soát trong những tuần trước. Giá chứng chỉ quỹ trên sàn đã giảm 20 phiên, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu bán chứ mua vào rất ít.
“Đấy là tín hiệu của tuần này, nên chưa có gì sáng sủa. Khả năng tỷ lệ giảm nhiều hơn tỷ lệ tăng” ông Bình nhận định.
Ông cho biết thêm, ngoài câu chuyện của ETF, còn có câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài vẫn rút ròng trên một số cổ phiếu, đặc biệt cổ phiếu ngành bất động sản như VIC và HAG, cổ phiếu ngân hàng như VCB, trong khi một số cổ phiếu dòng dầu khí như PVD và GAS rất căng thẳng do nhận định giá dầu còn xuống nữa.
Liên quan đến việc nhà đầu tư nước ngoài bán ra, ông Bình cho biết đây diễn biến này có nguyên nhân từ việc nhiều người nhận thấy khả năng NHNN sẽ phá giá ngay vào đầu năm 2016, nên họ bán trước.
Trong khi chưa thông tin gì hỗ trợ trong thời điểm này, thì trên biểu đồ phân tích kỹ thuật lại có những tín hiệu xấu, khiến tâm lý những người mua rất e dè.
Ngoài ra, dòng tiền còn đang rút ra vì những mục đích khác. Ông Bình đánh giá hiện nay các vụ đấu giá cổ phiếu rất nhiều, giống như đã xảy ra hồi năm 2005-2006, thời điểm rất nhiều công ty tốt thực hiện IPO. Trường hợp của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vừa qua là một ví dụ, khi rất nhiều người tham gia đấu giá công ty này. Thêm nữa là dịp cuối năm nhiều người dành tiền tập trung mua sắm rất nhiều thứ, nên chứng khoán cũng bị ảnh hưởng không ít.