Những điểm nhấn trong kế hoạch IPO Vietnam Airlines

Các hoạt động hướng tới đợt IPO của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã chính thức được khởi động sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH).

Cùng với những nội dung được đề cập trong Quyết định số 1611/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), lịch trình cho hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong nước và phát hành cổ phần cho đối tác nước ngoài của hãng hàng không quốc gia đã xác định được mốc thời gian khởi đầu (T) là ngày 10/9/2014.

Những điểm nhấn trong kế hoạch IPO Vietnam Airlines
Vietnam Airlines được thực hiện các cơ chế vay vốn có bảo lãnh về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Vietnam Airlines sẽ phối hợp tổ chức IPO trong nước vào cuối tháng 11/2014 (T+72). Trước đó, Hãng sẽ tiến hành các hoạt động chuẩn bị như ký kết hợp đồng bán đấu giá với tổ chức thực hiện đấu giá; đăng báo và công bố thông tin về việc bán đấu giá, bản cáo bạch; tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư.

Đối với việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vietnam Airlines sẽ khởi động hoạt động đầu tiên - gửi bản công bố thông tin ngắn (teaser) và gửi thỏa thuận bảo mật thông tin (NDA) cho các cổ đông chiến lược tiềm năng vào ngày 30/9/2014.

Dự kiến, thời gian hoàn thành bán chiến lược là 6 tháng kể từ khi Hãng gửi teaser cho các nhà đầu tư tiềm năng. Mặc dầu vậy, thời gian bán cổ phần cho đối tác chiến lược của Vietnam Airlines phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố bên ngoài như tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế và sự "sẵn sàng" của các nhà đầu tư.

"Trong trường hợp việc chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa hoàn tất sau khi hoàn thành IPO trong nước, Tổng công ty sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhà nước tại Công văn số 35/BDDMDN ngày 3/6/2014 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần", Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đề xuất trong tờ trình đề nghị Chính phủ phê duyệt phương án CPH Vietnam Airlines vào cuối tháng 6/2014.

Cần phải nói thêm rằng, phương án CPH Vietnam Airlines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt không có nhiều khác biệt so với những đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải tại tờ trình gửi Chính phủ vào giữa tháng 6/2014. Cụ thể, hình thức CPH Tổng công ty Hàng không Việt Nam được chốt là giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vietnam Airlines sẽ có vốn điều lệ sau CPH là 14.101,8 tỷ đồng, tương đương hơn 1,41 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, trong đó cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu là: Nhà nước nắm 75% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược là 20%; bán đấu giá công khai là 3,465%; phần còn lại sẽ bán ưu đãi cho người lao động và tổ chức công đoàn.

Vietnam Airlines được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ - CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg - CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg - KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; chỉ đạo, chọn thời điểm thích hợp để giảm tỷ lệ vốn nhà nước còn nắm giữ không thấp hơn 65% vốn điều lệ…

Hai điểm nhấn quan trọng khác tại Quyết định số 1611 chính là việc Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP quản lý và sử dụng số tiền thu được từ cổ phần hóa (khoảng 1.000 tỷ đồng) để tăng phần vốn nhà nước khi doanh nghiệp này tăng vốn điều lệ.

Đồng thời, Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP được thực hiện các cơ chế chính sách về vay vốn có bảo lãnh theo Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 8/7/2013 của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 1567/TTg-CN ngày 18/10/2007, số 1567/TTg-KTN ngày 22/9/2008 về kế hoạch dự án phát triển đội tàu bay.

Được biết, các cơ chế, chính sách này thể hiện cam kết của Chính phủ đối với các nhà đầu tư về việc hỗ trợ Vietnam Airlines sau cổ phần hóa tiếp tục thực hiện các dự án, hợp đồng mua máy bay đã được ký kết trước khi chuyển sang công ty cổ phần thuộc Kế hoạch Phát triển đội máy bay đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.