Những cái chết

Những cái chết "không" được báo trước - Bài 1

(NDH) Rõ ràng nhà đầu tư biết thông tin SBC có kế hoạch hủy niêm yết, nhưng hàng loạt các thông tin “hỗ trợ” được đưa ra trong thời gian ngắn đã khiến nhà đầu tư say sóng và kéo giá cổ phiếu tăng liên tục trong nhiều tuần.

“High risk, high return” (rủi ro càng cao, lợi nhuận càng nhiều) – bài học vỡ lòng cho các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, và gần như ai cũng thuộc, nói ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng vận dụng thành công. Câu chuyện của các cổ phiếu OGC (Tập đoàn Ocean group), SBC (CTCP Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn), AVF (CTCP Việt Nam) …khiến nhiều nhà đầu tư mất nửa tài khoản chỉ trong vài tháng.

Phần 1: SBC: Biết hủy niêm yết vẫn tăng gấp ba

Cổ phiếu SBC bắt đầu niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM từ ngày 2/6/2010 với 8 phiên tăng trần liên tiếp. Cổ phiếu này không thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư trong suốt 4 năm đầu giao dịch bởi khối lượng giao dịch hàng ngày rất thấp (vài trăm đến vài nghìn cổ phiếu/phiên).

SBC chỉ bắt đầu được chú ý kể từ ngày 12/6/2014 khi ĐHCĐ thường niên đã thông qua phương án hủy niêm yết cổ phiếu SBC và lên phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông, phương án này được sự đồng ý của 68,75% cổ đông/đại diện cổ đông nhỏ lẻ (trong đó số cổ đông tham gia biểu quyết tại đại hội là 34 cổ đông, sở hữu và đại diện cho 3.530.000 phiếu biểu quyết, chiếm 68,75% tổng số cổ đông không phải là cổ đông lớn của công ty).

Lúc này giá cổ phiếu SBC loanh quanh ở mức 10.000 đồng/cp, không có biến động nhiều so với giá cách đó 2 năm, lúc này SBC vẫn nằm trong diện bị cảnh báo vì năm 2013 công ty này lỗ gần 50 tỷ đồng.

Tiếp theo, ngày 29/8/2014 HĐQT SBC ra phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông theo hướng đồng ý cho Chủ tịch HĐQT là ông Văn Thanh Liêm mua công khai tối đa toàn bộ cổ phiếu nắm giữ của các cổ đông nhỏ lẻ (nếu cổ đông nhỏ có nhu cầu chuyển nhượng).

Tổng số cổ phần mua lại tối đa là 5.137.590 cổ phần (64,22% vốn SBC). Lúc này, Sabeco đang là cổ đông lớn nhất của SBC (chiếm 25% vốn), cổ đông nội bộ nắm 3,64% vốn, cổ đông trong công ty nắm 21,52% vốn và cổ đông ngoài công ty nắm 49,84% vốn.

Giá mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn bình quân giá tham chiếu của SBC trong thời hạn 60 ngày liền trước ngày gửi bản đăng ký chào mua, thời gian mua dự kiến từ ngày 3/9-3/10/2014. Lúc này SBC tăng từ 10.000 đồng/cp lên 13.300 đồng/cp (33%).

Đến ngày 7/10/2014, SBC nhận được đề nghị chào mua công khai của CTCP Bia Sài Gòn Bình Tây (đồng chủ tịch với SBC là ông Văn Thanh Liêm), số lượng đăng ký mua tối đa đúng bằng số lượng đăng ký mua của Chủ tịch Văn Thanh Liêm, giá chào mua 11.500 đồng/cp, thời gian mua từ 10/11/2014 đên 10/12/2014.

Tháng 11/2014, SBC công bố KQKD quý 3 lãi đột biến 27,2 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 17 tỷ), lũy kế 9 tháng lãi 61,5 tỷ, EPS 7.693 đồng/cp.

Sau thông tin này, SBC tăng trần 12 phiên liên tiếp từ 15.000 đồng/cp và đạt đỉnh 36.500 đồng/cp vào ngày 5/12/2015.

Ngày 11/12/2015, Bia Sài Gòn Bình Tây thông báo chưa mua được bất kỳ cổ phiếu nào trên tổng số hơn 5 triệu cổ phiếu đã đăng ký.

Trong lúc nhà đầu tư đang say sóng SBC và “lâng lâng” với các thông tin KQKD đột biến của công ty này thì đến ngày 15/1/2015 SBC công bố hủy niêm yết 8.000.000 cổ phiếu vào ngày 12/2/2015, lúc này SBC rơi tự do và giảm 50% xuống 17.000 đồng/cp.

Rõ ràng nhà đầu tư biết thông tin công ty có kế hoạch hủy niêm yết, nhưng hàng loạt các thông tin “hỗ trợ” được đưa ra trong thời gian ngắn đã khiến nhà đầu tư say sóng và kéo giá cổ phiếu tăng liên tục trong nhiều tuần.

Theo quy định của Nghị định 58 về hủy niêm yết bắt buộc và tự nguyện, tổ chức niêm yết chỉ được hủy bỏ niêm yết chứng khoán khi quyết định của ĐHCĐ có trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông nhỏ lẻ (nắm giữ dưới 5%) chấp thuận hủy bỏ niêm yết.

Một số nhà đầu tư đã bức xúc cho rằng, trong quãng thời gian từ tháng 6/2014 đến tháng 2/2015, cơ cấu cổ đông nhỏ lẻ của SBC đã thay đổi rất nhiều và nếu lấy ý kiến ở thời điểm này liệu có trên 50% số phiếu biểu quyết của cổ đông nhỏ lẻ thông qua cho công ty hủy niêm yết? Bởi tại thời điểm nhóm cổ đông thông qua việc hủy niêm yết lúc đó SBC lỗ trước thuế 50 tỷ trong năm 2013, tuy nhiên với số lãi khủng 61,5 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2014 thì không có lí do gì để công ty hủy niêm yết.

Quay trở lại thời điểm tháng 6/2014, SBC thông báo lý do hủy niêm yết “để thích ứng với thực tế hoạt động hiện tại và phù hợp với định hướng tái cấu trúc của công ty trong thời gian sắp tới”.


Chi phí bán hàng 9 tháng của Sabeco

Cổ đông lớn nhất của SBC hiện tại là Sabeco, chi phí bán hàng 9 tháng đầu năm 2014 của Sabeco đạt 1.743 tỷ đồng thì chi phí vận chuyển, bốc vác lên tới gần 450 tỷ, gấp 9 lần cùng kỳ năm trước, chiếm 25,8% chi phí, trong đó giao dịch vận chuyển bia với SBC là 282 tỷ, chiếm 63% chi phí vận chuyển của Sabeco.


Giao dịch giữa SBC với Sabeco và các công ty con của Sabeco 9 tháng đầu năm

Rõ ràng với ngành nghề kinh doanh của Sabeco, chi phí vận chuyển rất quan trọng và đó là lý do vì sao Sabeco cần phải kiểm soát chi phí vận tải bằng cách mua một công ty vận tải riêng.

Hiện đã hết thời gian chào mua công khai của cả cá nhân ông Văn Thanh Liêm (chào mua giá không quá 9.900 đồng/cp) và Bia Sài Gòn Bình Tây (chào mua giá 11.500 đồng/cp), không hiểu sau khi hủy niêm yết số phận của nhóm cổ đông nhỏ lẻ SBC ra sao, chỉ biết rằng, mặc dù biết trước công ty sẽ bị hủy niêm yết nhưng không ít nhà đầu tư phải “ôm hận” khi trót đu theo cổ phiếu này.

Phần 2: AVF: Ngã ngửa với "chi phí khác"