Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được đại diện các vụ thị trường nước ngoài, tham tán Việt Nam tại nước ngoài, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin về nhiều thị trường tại Diễn đàn xuất khẩu 2014 vào ngày 12-9 tại TPHCM.
Diễn đàn Xuất khẩu 2014 (diễn ra tại Trung tâm hội nghị White Palace) là một trong những chương trình xúc tiến thương mại được Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức hằng năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu các thị trường xuất khẩu tiềm năng, nắm bắt xu hướng và yêu cầu của thị trường để đưa ra chiến lược thâm nhập thị trường và định hướng sản phẩm xuất khẩu.
Doanh nghiệp đang nhắm đến thị trường nào?
Theo ITPC, kết quả của gần 20 cuộc trao đổi của trung tâm này với các hiệp hội doanh nghiệp, hội chuyên ngành, và tổng công ty nhằm chuẩn bị cho diễn đàn cho thấy, các doanh nghiệp dệt may, da giày - túi xách, đồ gỗ, thủy sản đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường truyền thống chiếm kim ngạch cao trong nhiều năm là Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản.
Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may cũng đang quan tâm đến thị trường các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và xúc tiến thị trường các nước Đông Nam Á (ASEAN).
Còn các doanh nghiệp đồ gỗ cho biết sẽ chú trọng đẩy mạnh thị trường các nước khối ASEAN, đồng thời tìm hướng mở thị trường Đông Âu và UAE.
Do thị trường Liên minh châu Âu (EU) hiện có nhiều biến động, ngành da giày Việt Nam đã dần chuyển hướng sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản và châu Phi. Lượng đơn hàng trong ngành này được dự báo tăng do nhiều đơn hàng chuyển từ Trung Quốc, Indonesia sang để tận dụng ưu đãi thuế phổ cập (GSP) mà Việt Nam đang được hưởng tại thị trường EU (từ ngày 1-1-2014).
Hiện Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng đầu nhóm hàng thủy sản của Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu của nhóm hàng này từ Việt Nam sang các thị trường tiêu thụ lớn khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc hiện đều tăng. UAE là thị trường mà doanh nghiệp thủy sản đang muốn đẩy mạnh.
Thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất hiện nay của Việt Nam là Trung Quốc, tiếp đến là Malaysia và Ấn Độ. Doanh nghiệp cao su đang tìm hiểu thêm để tăng xuất khẩu vào thị trường Ấn Độ. Bởi lẽ, ngành ô tô Ấn Độ được dự báo sẽ phục hồi, theo đó nhập khẩu cao su thiên nhiên dùng để sản xuất lốp xe của nước này cũng được dự báo tăng cao trong vài năm tới. Nhật Bản cũng là thị trường được doanh nghiệp xuất khẩu cao su quan tâm.
Bên cạnh thị trường Mỹ, EU, doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều cũng đang hướng tới một số thị trường tiềm năng như Tây Á, Nam Á, Nhật Bản. Còn mặt hàng rau củ quả của Việt Nam đang có nhiều triển vọng xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Được trích trong thông cáo của ITPC, ông Hồ Xuân Lâm, phó giám đốc ITPC cho biết, sau khi biết được những thị trường doanh nghiệp quan tâm, ITPC đã mời đến Diễn đàn Xuất khẩu 2014 đại diện các vụ thị trường nước ngoài, tham tán Việt Nam tại nước ngoài, đại diện thương mại nước ngoài tại Việt Nam… để giải đáp trực tiếp những thắc mắc của doanh nghiệp, cung cấp thêm nhiều thông tin thị trường, hỗ trợ nhu cầu tìm kiếm đối tác của doanh nghiệp.
Phản ánh đề xuất của DN
Doanh nghiệp xuất khẩu cũng cho biết đang gặp nhiều khó khăn và theo ông Hồ Xuân Lâm, ITPC cũng sẽ tổng hợp để những phản ảnh và ý kiến đề xuất của doanh nghiệp đến Bộ Công thương, UBND TPHCM và các bộ, ngành.
Các cuộc trao đổi của ITPC với doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề cho thấy, nhiều ngành hàng đang xuất khẩu tăng trưởng tốt như dệt may, da giày, đồ gỗ…, nhưng công nghiệp phụ trợ đến giờ vẫn kém, nên doanh nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại sắp tới. Chính phủ đã ban hành một số chính sách thuế giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng lại không tháo gỡ khó khăn ở nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, những hiệp định thương mại tuy mở ra cơ hội, nhưng rào cản kỹ thuật ở các nước phức tạp hơn, doanh nghiệp khó khăn khi muốn tìm hiểu những tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh để đáp ứng (lĩnh vực cao su, thủy sản, hồ tiêu, rau củ quả…). Thông tin về các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia đàm phán chưa được phổ biến rộng rãi đến doanh nghiệp.
Một số thị trường tiềm năng doanh nghiệp quan tâm như Đông Âu, Nhật Bản , và UAE lại có chính sách nhập khẩu không ổn định, hay áp dụng luật mới, tăng thêm danh mục những loại nông dược, kháng sinh phải kiểm soát, nhưng đôi khi không thông báo trước; hay cấm tạm thời nhập khẩu không cho biết hạn định, rồi lại dở bỏ quy định không cần báo trước, nên doanh nghiệp bị động.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ảnh về tình trạng cầu, đường không đồng bộ, thay đổi biển báo tải trọng ở một số cầu lập thành những "bẫy giăng" doanh nghiệp trên các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu liệu sản xuất cũng như hàng ra cảng xuất khẩu. Doanh nghiệp vận tải muốn đưa xe container vào cảng Tân Thuận 2 (TPHCM) không thể đi thẳng qua cầu tải trọng chỉ 13 tấn, buộc phải đi đường qua khu chế xuất Tân Thuận, chi phí thêm khoảng 2.500 - 3.000 đồng/tấn, thông quan hàng hóa khó khăn.