Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thất vọng với TTCK Việt Nam

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thất vọng với TTCK Việt Nam

Phần đông các NĐT có cùng quan điểm về triển vọng của Việt Nam và đã quyết định bắt đầu rót vốn.

LTS: Giám đốc Quản lý quỹ PYN Elite, ông Petri Deryng vừa có thư gửi các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, đưa ra thông điệp: Việt Nam nên ngừng bán tài sản ở mức chiết khấu so với giá trị thực và tiến tới áp dụng hệ thống cổ phiếu không có quyền biểu quyết NVDR. Một TTCK hiện đại và được vận hành tốt có thể kích thích tăng trưởng kinh tế. ĐTCK xin giới thiệu góc nhìn của ông thông qua bài viết này.

Chúng tôi sẵn sàng trao 920 triệu quyền biểu quyết cho NĐT nội

Quỹ đầu tư PYN Elite hiện sở hữu 920 triệu cổ phiếu tương đương với 920 triệu quyền biểu quyết tại các công ty trên TTCK Việt Nam. Quỹ chúng tôi sẽ không ngần ngại nếu cần trao tất cả quyền biểu quyết này cho các NĐT Việt Nam.

Hãy để tôi lý giải điều này! Chính phủ Việt Nam đã điều hành nền kinh tế một cách khéo léo trong suốt những năm khó khăn của suy thoái kinh tế, sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng trong một vài năm trước đây. Chúng tôi rất khâm phục việc Ngân hàng Nhà nước đã giữ cho đồng Việt Nam ổn định bằng cách điều chỉnh một cách có hệ thống và linh hoạt tỷ giá hối đoái và đã tích lũy được nguồn dự trữ ngoại hối rất cần thiết cho đất nước.

Theo chúng tôi, chính phủ Việt Nam hiện đang sở hữu những chính sách công nghiệp hóa tạo ra rất nhiều việc làm và đem lại sự thịnh vượng bằng cách hướng đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp chủ chốt. Vị thế cạnh tranh của Việt Nam được nâng cao nhờ vào những chính sách nói trên. Tuy nhiên, nền kinh tế thực không thể tăng trưởng với tốc độ tối đa nếu nó không được hỗ trợ bởi một thị trường tài chính vận hành tốt và được hiện đại hóa. Thành phần tối cần thiết của các thị trường tài chính là thị trường trái phiếu và cổ phiếu hiệu quả, nơi mà các công ty với triển vọng tốt, có thể tìm thấy nguồn vốn cho những dự án và kế hoạch của mình với những điều khoản hợp lý.

Biểu đồ mô tả chỉ số kết hợp của giá trị vốn hóa, khối lượng giao dịch và room nước ngoài của cổ phiếu những công ty lớn nhất tại một số quốc gia. Riêng Việt Nam mỗi yếu tố trên có riêng một đường chỉ số khác nhau. Ba yếu tố này là cấu thành nên tiêu chuẩn phân loại thị trường MSCI. Các yếu tố khác bao gồm phát triển kinh tế bền vững và khả nãng tiếp cận của thị trường (ví dụ như cho phép việc bán khống), theo đó MSCI đánh giá lại phân loại thị trường vào tháng 6 hàng năm. ©PYN FUND MANAGEMENT LTD.


Chúng tôi được biết rằng, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã và đang nghiên cứu hệ thống Chứng chỉ chứng khoán không có quyền biểu quyết (gọi tắt là "NVDR") và tính việc triển khai hệ thống này tại TTCK Việt Nam.

Chúng tôi ủng hộ Việt Nam tích hợp hệ thống này càng sớm càng tốt. Lấy ví dụ thị trường Thái Lan, hệ thống NVDR đã làm thúc đẩy thanh khoản và tăng tính minh bạch một cách đáng kể sau khi nó được áp dụng.

Bằng việc sử dụng NVDR, các NĐT trong và ngoài nước có thể giao dịch tất cả các cổ phiếu trên cùng một sàn giao dịch chứng khoán tại cùng một thời điểm và có quyền được hưởng các lợi ích tài chính giống nhau như cổ tức và thặng dư vốn. Sự khác biệt duy nhất giữa việc mua NVDR và mua cổ phiếu thông thường là quyền biểu quyết - cổ phiếu sẽ được đóng dấu nếu là cổ phiếu có quyền biểu quyết và không được đóng dấu nếu là cổ phiếu không có quyền biểu quyết, tùy thuộc vào việc cổ đông là NĐT nước ngoài hay trong nước.

Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, phần đông các NĐT có cùng quan điểm về triển vọng của Việt Nam và đã quyết định bắt đầu rót vốn. Tuy nhiên, tính kém thanh khoản làm tê liệt các nỗ lực của họ, do đó những NĐT này thất vọng, quay lưng lại và rút cục chuyển hướng đầu tư thời gian và tài sản quý báu của họ ở một thị trường khác. Những NĐT này đã có ý định tốt, nhưng đã bị đẩy lùi ra xa bởi những khó khăn, bất cập của việc đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Hệ thống NVDR có thể là giải pháp

+ Số lượng các NĐT tổ chức năng động, chuyên nghiệp tham gia vào thị trường vốn có thể tăng lên đến 500 từ con số 50 hiện nay;

+ TTCK có thể được nâng hạng trong bản đồ chứng khoán quốc tế;

+ Các doanh nghiệp Nhà nước chuẩn bị cổ phần hóa có thể có được định giá tốt hơn và Chính phủ không phải bán tài sản của Nhà nước ở mức giá chiết khấu so với giá trị thực;

+ Các công ty tư nhân với triển vọng sáng sủa có thể tiếp cận với nguồn tư bản mới ở mức giá tốt hơn trong một thị trường được vận hành tốt;

+ Tinh thần và bản lĩnh kinh doanh của các doanh nhân Việt Nam được định giá đúng đắn;

+ Tính minh bạch của thị trường có thể được nâng cao;

Quỹ PYN Elite sở hữu 920 triệu cổ phiếu trong các DN niêm yết Việt Nam. Chúng tôi đầu tư với mục tiêu nắm giữ dài hạn, nhưng chúng tôi cũng luôn ủng hộ những cải tiến nói trên của thị trường. Chúng tôi sẵn sàng trao 920 triệu quyền biểu quyết cho những NĐT trong nước để đổi lại có một thị trường thanh khoản hơn.

Một TTCK hiện đại và được vận hành tốt có thể kích thích tăng trưởng kinh tế cho những năm tiếp theo. Chúng tôi tin rằng, đây là thời điểm thích hợp để ngừng bán các công ty Việt Nam với mức giá rẻ cho các NĐT nước ngoài gây ra bởi việc ngăn cản các thành viên thị trường mua cổ phiếu ở các công ty kín room. Việt Nam đã tham gia WTO và xếp hạng tín dụng của Việt Nam đang được cải thiện; giờ là lúc thúc đẩy thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ hơn và nâng hạng Việt Nam từ một thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.