Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa chỉ đạo doanh nghiệp trực thuộc bộ này là MobiFone phải nhanh chóng xây dựng phương án cổ phần hóa để trình lên Chính phủ cuối năm này và đến năm 2015 triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp này.
Được biết, phương án cổ phần hóa MobiFone đã được Chính phủ thông qua từ năm 2006 nhưng khi ấy Mobifone vẫn còn là doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT). Khi đó đã có nhiều doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đến Việt Nam mở văn phòng đại diện, công ty con... để chờ cơ hội mua cổ phần, trở thành đối tác chiến lược của nhà mạng này.
Tuy nhiên, do tiến trình cổ phần hóa Mobifone kéo dài nên nhiều văn phòng tại Việt Nam của các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đã rút đi. Gần đây khi thời điểm cổ phần hóa MobiFone đã đến gần (MobiFone được tách ra khỏi VNPT để trực thuộc Bộ Thông tin Truyền thông) thì nhiều doanh nghiệp viễn thông nước ngoài đã quay trở lại, ngỏ ý muốn tham gia mua cổ phần doanh nghiệp này.
Mới đây, ông Arne Kjetil Lian, Phó chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của Công ty Telenor (Na Uy) đã có buổi làm việc với Bộ Thông tin Truyền thông và bày tỏ sự quan tâm đến tiến trình cổ phần hóa của MobiFone. Telenor muốn tham gia MobiFone cũng như góp cổ phần chi phối nhằm tham gia điều hành, mang kinh nghiệm kinh doanh viễn thông quốc tế đến Việt Nam.
Trước đó, công ty Comvik (Thụy Điển) - từng là đối tác chiến lược với MobiFone trong hợp đồng hợp tác kinh doanh thời gian từ 1990-2005 - cũng đến gặp lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông để bày tỏ ý muốn "tái hợp", tiếp tục đầu tư, trở thành đối tác chiến lược khi MobiFone cổ phần hóa trong thời gian tới.
Thực tế, ngoài Comvik, Telenor còn nhiều hãng viễn thông nước ngoài như Vodafone, France Telecom, Singtel... đã đến Việt Nam từ năm 2006, chờ đợi cơ hội tham gia cổ phần hóa MobiFone.
Ông Mai Văn Bình, Chủ tịch MobiFone cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Thông tin Truyền thông, công ty này sẽ xây dựng phương án để Tập đoàn VNPT sở hữu tối đa 20% khi MobiFone cổ phần hóa, theo quy định hiện hành.
Nói về cổ phần hóa MobiFone, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Lê Nam Thắng cho hay, Việt Nam sẽ thực hiện đúng cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức viễn thông khác khi cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo đó, mức cổ phần tối đa mà một doanh nghiệp nước ngoài có thể sở hữu trong một doanh nghiệp Việt Nam là 49%. Ngoài ra, mức cổ phần này còn phụ thuộc vào một số yếu tố và quy định khác.