Nhiều DN niêm yết thua lỗ ngay đầu năm

Nhiều DN niêm yết thua lỗ ngay đầu năm

Mặc dù hoạt động của các doanh nghiệp khởi sắc, phần nhiều doanh nghiệp niêm yết đều có lãi, nhưng cũng có khoảng 80 doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán báo lỗ trong quý 1-2015.

Liên tiếp thua lỗ

Hiện các doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã công bố gần hết BCTC quý 1-2015, có thể thấy tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngay trong quý đầu tiên của năm 2015 khởi sắc, số doanh nghiệp báo lỗ tuy đã giảm nhưng mức lỗ vẫn liên tiếp diễn ra.

Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (BTP) trong I-2015 lỗ ròng 122,88 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận sau thuế đạt 43,33 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân khiến BTP lỗ nhiều như vậy là do chênh lệch tỷ giá khi doanh nghiệp đánh giá lại vốn vay có gốc ngoại tệ trong quý I-2015 so với thời điểm trước đó.

Công ty CP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (VST) cũng là DN có nhiều quý thua lỗ liên tiếp. Việc kinh doanh dưới giá vốn tiếp tục là nguyên nhân khiến VST lỗ gộp gần 40 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp ghi âm 16,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, quý 1-2015 VST lỗ ròng 28,7 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp, HoSE đã thông báo huỷ niêm yết cổ phiếu VST từ ngày 8-5. Năm 2015 mặc dù dự kiến sẽ bán 2 tàu nhưng lợi nhuận sẽ vẫn lỗ khoảng 109,04 tỷ đồng.

Cũng liên quan đến lĩnh vực vận tải, năm 2014 Vosco báo lãi 25,4 tỷ đồng sau 2 năm liên tiếp thua lỗ (2012 - 2013). Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Vosco vẫn được HĐQT công ty đánh giá còn gặp nhiều khó khăn. Trong quý 1, doanh thu thuần quý 1 của công ty mẹ chỉ đạt gần 348 tỷ đồng giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giá vốn hàng bán lại lên tới 370,4 tỷ đồng khiến Vosco mẹ lỗ gộp 22,5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lợi nhuận gộp đạt 41,75 tỷ đồng.

Trong kỳ doanh thu hoạt động tài chính được cải thiện nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay nhưng chi phí của hoạt động này lên tới hơn 59 tỷ đồng trong đó đáng chú ý là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện hơn 17 tỷ đồng, kết quả sau khi trừ các khoản chi phí Vosco mẹ lỗ ròng 102,54 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 28,24 tỷ đồng.

Công ty CP Công trình 6 (CT6) doanh thu thuần quý I-2015 đạt 27,87 tỷ đồng, gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (6,43 tỷ đồng) trong khi giá vồn hàng bán tăng 4,7 lần so với cùng kỳ (27,83 tỷ quý 1 năm nay so với 5,85 tỷ quý 1 năm ngoái). Mặc dù doanh thu tăng mạnh, nhưng CT6 vẫn báo lỗ sau thuế 3,38 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ 2,45 tỷ đồng). Giải trình nguyên nhân thua lỗ, Công ty CP Công Trình 6 cho rằng, hiện tại công ty chưa nhận được các công trình mới vì không thể tham gia đấu thầu các công trình trong ngành đường sắt và Bộ Giao thông Vận tải; thêm nữa, các công trình hiện tại của công ty, dù đã hoàn thành nhưng quá trình thanh toán vốn còn gặp nhiều khó khăn.

Lỗ do tồn kho, giảm giá

Một số doanh nghiệp niêm yết thuộc các nhóm ngành hàng thực phẩm, sắt thép có kết quả kinh doanh thua lỗ do lượng hàng tồn kho lớn, giá bán ra giảm. Trong báo cáo tài chính quý I-2015, Công ty Cổ phần Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long (mã CK: VLF) vừa công bố, do xuất khẩu gạo gặp khó khăn và doanh thu hoạt động tài chính giảm khiến VLF bị lỗ ròng hơn 10 tỷ đồng.

Trong kỳ doanh thu tài chính giảm mạnh gần 87% do giảm lãi tiền gửi và giảm lãi chênh lệch tỷ giá thực hiện, chi phí tài chính tăng nhẹ trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 43,75% và 53,47% tuy nhiên lãi gộp quá thấp nên VLF vẫn phải chịu lỗ thuần 11,6 tỷ đồng. Lãi khác hơn 1 tỷ đồng nên kết quả VLF lỗ ròng 10,53 tỷ đồng .

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do trong 2015 tình hình kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, riêng quý 1-2015 sản lượng gạo xuất khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, giá bán cũng liên tục sụt giảm. Trong kỳ công ty chỉ bán được 6.279,4 tấn gạo các loại giảm hơn 69% so với cùng kỳ đã dẫn đến doanh thu thuần, giá vốn và lợi nhuận gộp đều giảm sâu lần lượt là 74,73%, 75,19% và 64,26%.

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC) cũng có kết quả không mấy khả quan trong quý I-2015. Giá cả thị trường sụt giảm liên tục khiến lợi nhuận biên thấp nên không bù được chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh khiến SMC lỗ ròng 40,75 tỷ đồng. Một nguyên nhân nữa dẫn đến thua lỗ là do công ty đang có một lượng hàng tồn kho giá cao từ năm trước chuyển sang, trong khi giá thép chưa có dấu hiệu cải thiện, đây là điều mà các doanh nghiệp trong ngành khó có thể lường trước.

Cùng ngành thép, Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) đã công bố báp cáo tài chính quý 1-2015 với kết quả kinh doanh thua lỗ - Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp Pomina báo lỗ.

Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ là do giá nguyên vật liệu đã xuống mức đáy và quý 1 công ty đã bán hết tồn kho giá cao nên quý này lỗ do còn gánh chịu tồn kho giá cao. Tuy nhiên hiện nay giá tồn kho của công ty đang ở mức hợp lý nên quý 2 công ty sẽ có lãi.

Quý 1-2015, Thép Việt Ý (VIS) cũng đã báo lỗ 39,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi 5,6 tỷ đồng của quý 1-2014. Nguyên nhân lỗ được VIS giải trình là do quý 1 vừa qua, giá thép thế giới có xu hướng giảm, nguồn nguyên liệu công ty nhập về từ trước vẫn phải chịu giá cao, thêm giá điện, than trong nước đang tăng nên ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Hơn nữa, quý 1 có thời gian nghỉ tết dài ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng nhiều./.