CTCK | Tích cực | Trung lập | Tiêu cực |
BVSC | X | ||
IVS | X | ||
SHS | X | ||
FPTS | X |
Giằng co phân hóa đi kèm diễn biến thanh khoản thấp
(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)
Xu hướng giằng co phân hóa đi kèm diễn biến thanh khoản thấp nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong một vài phiên tới. Thông tin đang được kỳ vọng có thể tác động mạnh tới thị trường trong ngắn hạn là cuộc họp tiếp theo về TPP sẽ diễn ra trong hai ngày nữa. Mặc dù các thông tin và kết quả về cuộc họp này hiện rất khó dự báo nhưng nhiều khả năng thị trường sẽ cho tín hiệu rõ ràng hơn sau khi cuộc họp kết thúc. Nhà đầu tư tiếp tục được khuyến nghị duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức trung bình thấp, tránh các hoạt động mua đuổi cho đến khi các thông tin về TPP được công bố rõ ràng hơn.
Thị trường có thể sẽ suy giảm
(Công Ty Chứng Khoán Đầu Tư Việt Nam - IVS)
Không tính cú bán mạnh vào phiên ATC của khối ngoại đẩy chỉ số VN-Index mất điểm mạnh thì thị trường cũng đang theo xu hướng khá xấu. Dòng tiền đã chững lại và xu hướng tiền chảy vào có dấu hiệu ngày càng thấp đi. NĐT dường như không thực sự tìm ra một lý do đủ tích cực để tham gia thị trường, trong khi phần lo lắng vẫn rất lớn. Có thể nhiều NĐT cho rằng phiên giao dịch này là sự thăm dò của chính sách hạ lãi suất đồng USD. Nhưng thực sự có phải vậy không hay NĐT đang hướng đến xu thế “bàng quan” với tin tốt và lo lắng với tin xấu.
Chỉ số VN-Index đang có cơ hội rất lớn để bứt phá qua đường trung bình dài hạn MA200 khi thanh khoản ở mức tương đối cao. Tuy nhiên, chỉ số này lại có gần 2 tuần giao dịch một cách khó khăn tại mốc 570 điểm mà chưa rõ xu hướng. Điều này thực sự có thể khiến cho thị trường có thể đảo chiều và nếu như áp lực tiếp tục gia tăng thì thị trường sẽ suy giảm. Tín hiệu mà phiên 28/09 phát đi có thể truy cho khối ngoại bán về cuối phiên nhưng dường như xu thế chung là khó tránh.
Giao dịch lình xình kéo dài
(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS)
Đa số các mã lớn đều chịu áp lực bán khiến VN-Index không còn sức chống đỡ và mất mốc hỗ trợ 570 điểm. Dòng tiền khá yếu khiến thanh khoản suy giảm mạnh. Quy mô khớp lệnh trên hai sàn chỉ đạt khoảng 104 triệu đơn vị - thấp hơn khá nhiều so với lượng giao dịch bình quân 117 triệu đơn vị trong 10 phiên gần đây. Đà điều chỉnh đã kéo sang phiên thứ tư với thanh khoản giảm sút. Trạng thái này sẽ khiến giao dịch lình xình kéo dài do sự vận động của dòng tiền không có sự cải thiện. Nếu xuất hiện thêm phiên VN-Index rơi xuống dưới ngưỡng 560 điểm, xu hướng sẽ trở nên xấu và nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động mua vào.
Kém tích cực
(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)
Với phiên giảm điểm đầu tuần 28/09 thì xu thế đi ngang tích lũy trong ngắn hạn mặc dù vẫn duy trì nhưng trên một nền tảng yếu với cán cân cung – cầu có dấu hiệu nghiêng dần về phía bên bán. Sự tham gia của dòng tiền tại một số mã theo kỳ vọng của thông tin về TPP khá yếu và không đủ để nâng đỡ toàn bộ thị trường. Trong khi đó, một số mã cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VCB, BID,... cũng góp phần tác động tiêu cực và đẩy chỉ số đi xuống. Như vậy, nhiều khả năng thị trường trong tuần này sẽ diễn ra kém tích cực về cuối tuần khi chỉ số có khả năng lùi về khu vực hỗ trợ dưới.
Có thể thấy rằng các yếu tố cần được lưu ý bao gồm thanh khoản thị trường và diễn biến của nhóm ngành dẫn dắt dòng tiền đều đang có dấu hiệu xấu đi so với tuần trước. Theo đó, nhà đầu tư có mức độ chịu rủi ro thấp vẫn chưa nên tham gia giao dịch thời điểm này. Đối với các hoạt động lướt sóng liên tục và ngắn hạn thì cần ưu tiên tỷ trọng tiền mặt ở mức cao hơn cổ phiếu để tránh diễn biến tiêu cực bất ngờ có thể xảy ra nếu ngưỡng hỗ trợ mạnh bị phá vỡ.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.