Cần xét đến động lực tăng giá của TTCK trong tháng 7, bao gồm: Thông tin vĩ mô, KQKD quý II cũng như nửa đầu năm 2015 của các doanh nghiệp (DN) niêm yết, dòng tiền cũng như mức định giá của CP.
Chờ đợi mở room và KQKD quý II
Các số liệu về tăng trưởng GDP nửa đầu năm vẫn ở mức tích cực, việc đàm phán TPP cũng được kỳ vọng sẽ sớm hoàn thành và thông tin được chờ đợi nhất liên quan đến việc "mở room" cũng đã có bước ngoặt quan trọng. Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng thi hành một số điều của Luật CK và Luật sửa đổi được ban hành ngày 26-6-2015.
Trong các nội dung sửa đổi và bổ sung theo Nghị định 60, quy định mới về tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài là nội dung được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài chờ đợi nhất trong hơn 2 năm qua. Những thông tin vĩ mô tích cực đã góp phần củng cố niềm tin cũng như kỳ vọng của NĐT cả trong lẫn ngoài nước đối với nền kinh tế nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, những thông tin này có vai trò nền tảng củng cố về mặt trung và dài hạn, vậy nên tác động cũng sẽ có điểm rơi theo từng thời kỳ. Chẳng hạn thông tin về việc mở room, hiện giờ thị trường sẽ phải chờ đợi cụ thể những công ty, ngành nghề nào sẽ được "mở" về tỷ lệ sở hữu cho NĐTNN với tỷ lệ bao nhiêu.
Tính đến thời điểm này, đã có lác đác một vài DN ước tính KQKD quý II-2015, hoặc một số CTCK cũng đưa ra các dự báo, nhưng có một điểm chung là vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của NĐT bởi 2 lý do: Thứ nhất, nhóm CP ngân hàng (NH) trong thời gian qua là tâm điểm và là động lực chính để kéo thị trường đi lên nên sự chú ý gần như dồn về nhóm này. KQKD của các NH cũng đã được dự báo phần nào thông qua các số liệu của ngành như tăng trưởng tín dụng, huy động tiền gửi…
Trong khi nhiều CP tăng giá trong thời gian vừa qua với lý do đơn giản "lấy lại những gì đã mất". Nghĩa là từ khoảng tháng 10-2014 đến tháng 5-2015, TTCK đã diễn biến thất thường, điều chỉnh khiến cho nhiều CP giảm mạnh, và sóng từ giữa tháng 5 cho đến nay đã giúp nhiều CP hồi phục về mức giá trở lại.
Trong khi đó, có những ngành như bất động sản, xây dựng hay vật liệu xây dựng… đến giờ này KQKD vẫn có thể xem là một ẩn số, bởi lẽ NĐT đang thấy thị trường bất động sản ấm lên trong thời gian qua nhưng vẫn còn đó những sự hoài nghi. Và có thể nói BCTC bán niên 2015 sẽ có tác dụng giải tỏa sự hoài nghi này một cách mạnh mẽ. Trong một chừng mực nào đó, thông tin về KQKD quý II đã bị chìm khuất trong những ngày qua trước các thông tin vĩ mô mang tính tích cực. Điều này phản ánh rất rõ là phần nhiều CP cho đến thời điểm này vẫn có xu hướng "đồng biến" với các chỉ số VN Index và HNX Index thay vì phân hóa rõ rệt.
Vai trò dẫn dắt blue chip
Trong những phiên cuối cùng của tháng 6 cũng như phiên đầu tiên của tháng 7, GTGD trên cả 2 sàn vẫn duy trì ở mức 2.500-3.000 tỷ đồng/phiên, đây được xem là mức tích cực nhiều hơn rủi ro. Thông thường, khi GTGD vượt mốc 4.000 tỷ đồng/phiên một cách nhanh chóng, NĐT có thể nghĩ đến những phiên phân phối đỉnh, còn nếu vẫn trong phạm vi 3.000 tỷ đồng, nghĩa là dòng tiền vẫn ở trạng thái ổn định, khá dồi dào và còn có khả năng tăng thêm. Đáng chú ý, trong những phiên gần nhất, giá trị mua ròng của khối ngoại tại HOSE lên đến hơn 300 tỷ đồng/phiên, một con số đáng kể và đặc biệt tập trung ở nhóm blue chip cũng như rổ VN30.
Trong một chừng mực nào đó, việc VN Index tiến sát ngưỡng 600 điểm và đang chịu những thử thách đặc biệt tại 590 điểm đã khiến một số NĐT có phần rụt rè. Người giữ CP bán ra và quan sát thêm trong khi người mua cũng hạn chế. Đó là lý do khiến cho thanh khoản tại vùng 590 điểm của VN Index chỉ xấp xỉ 3.000 tỷ đồng/phiên, giảm phần nào so với khi VN Index ở vùng 580 điểm (đạt khoảng 3.500 tỷ đồng/phiên). Như vậy, dòng tiền có tiếp tục tăng lên hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến của thị trường và định giá của CP (ảnh hưởng bởi KQKD bán niên 2015) trong thời gian tới đây.
Diễn biến của VN Index tại vùng 590 điểm cũng không khác mấy so với khi ở 570 hay 580 điểm, đều là những phiên điều chỉnh, rung lắc, đà tăng tập trung tại một số CP nhất định. Nhưng bắt đầu có những thay đổi khi vai trò dẫn dắt của nhóm NH đang dần dãn ra và được chia sẻ bởi các blue chip khác như VNM, VIC, MSN hay BVH. Đây là một điểm rất tích cực bởi sau hơn 1 tháng tăng giá mạnh và liên tục, CP NH cần phải nghỉ để tích lũy và các blue chip khác sẽ thay thế.
Nhìn chung, khả năng các blue chip còn lại có thể nổi sóng tăng khoảng 5-10% trong ngắn hạn là khả thi và đã diễn ra như các trường hợp của VNM hay BVH, bởi đã không tăng giá từ lâu, nay so ra có thể xem như rẻ hơn và hấp dẫn dòng tiền. Nhưng sự hấp dẫn thực sự để có thể trở thành CP có sức hút và mang tính dẫn dắt lại phụ thuộc vào KQKD trong quý II-2015. Nhìn chung, khi kinh tế vĩ mô tốt lên cũng như một số ngành nghề vẫn đang có diễn biến tích cực, NĐT có thể nâng kỳ vọng với các công ty đầu ngành đáng kể.
Cơ hội cho từng nhóm CP
Đặt trong bối cảnh hiện nay của TTCK, thực chất các NĐT cũng không quan tâm VN Index hay HNX Index tăng quá mạnh. Bởi hơn 1 năm nay, mỗi khi chỉ số này đi vào vùng trên 600 điểm, lực bán ra rất lớn và TTCK càng tăng cơ hội tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn càng khó xảy ra. Kịch bản được xem lý tưởng hơn đó là thị trường giữ được điểm số, thậm chí đi ngang, nhưng các CP trụ cột có thể luân phiên nhau để thể hiện vai trò dẫn dắt. Khi KQKD được công bố, đặc biệt tại những nhóm CP chưa tăng giá, sẽ là động lực kích thích dòng tiền chảy vào những CP có kết quả tích cực. Điều này sẽ giúp dòng tiền có sự luân chuyển đều đặn hơn.
Theo chiều ngược lại, nếu VN Index tiếp tục tăng, với kịch bản trong ngắn hạn là vượt 600 điểm, động lực vẫn chỉ do một số CP quyết định, khả năng điều chỉnh trên diện rộng có thể xảy ra. Có thể lập luận là CP giá rẻ, chưa tăng khó giảm mạnh. Tuy nhiên, khi thị trường chung và đặc biệt là điểm số lao dốc trong một số ngày, NĐT có thể chọn phương án bán ra để có thể mua rẻ hơn.
Kịch bản này dù khả năng xảy ra thấp hơn kịch bản dòng tiền sẽ luân phiên trên thị trường, nhưng cũng không thể xem thường. Trong ngắn hạn, nếu ngưỡng 590 điểm tiếp tục được giữ vững trong 2-3 phiên nữa, dòng tiền có thể sẽ tăng mạnh trở lại và TTCK sẽ sôi động.
Ảnh minh họa |
Có thể nói, nếu thị trường tích lũy càng lâu để VN Index vượt được 600 điểm, cơ hội tại từng nhóm CP sẽ càng nhiều. Nếu 600 điểm được VN Index vượt qua dễ dàng, trong ngắn hạn có thể xuất hiện những phiên mua đuổi để theo kịp thị trường, nhưng kèm theo đó có thể là rủi ro phân phối đỉnh.
Một chi tiết đáng chú ý kể từ đầu năm 2014 đến nay, mỗi khi VN Index vượt đỉnh 600, có rất nhiều yếu tố cho thấy chỉ số này còn có thể tăng dài, tăng mạnh, nhưng rốt cuộc đều không trụ được. Lần này, khi thị trường được củng cố bởi nhiều thông tin vĩ mô mang tính bước ngoặt, liệu diễn biến có khác?