“Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines sau cổ phần hóa là điều tất yếu”

"Sau cổ phần hóa, nhà nước cũng chiếm giữ 75% vì vậy việc Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines là điều tất yếu", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết trong cuộc trao đổi với BizLIVE.

Ngoài ra, cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, cổ phần hóa của Vietnam Airlines rất được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm, mức giá khởi điểm dự định là 22.300 đồng/cp là hợp lý và có thể cao hơn.

Có thể đạt mức giá cao hơn

Phiên bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines sẽ diễn ra vào ngày 14/11, khảo sát mức độ quan tâm của nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kỳ vọng như thế nào về mức giá?

Sau khi Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Vietnam Airlines trên cơ sở quyết định của Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt mức giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian và Sở Giao dịch chứng khoán để bán cổ phần lần đầu. Quyết định tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, phê duyệt quyết toán cổ phần hóa là nội dung chính của quyết định.

Trên cơ sở đó, ngày 24/9 Bộ GTVT đã có Quyết định số 3384 phê duyệt mức giá khởi điểm bán cổ phần lần đầu và lựa chọn địa điểm tổ chức bán đấu giá cổ phần. Theo đó, mức giá khởi điểm dự định là 22.300 đồng/cp.

Cổ phần phát hành lần đầu ra công chúng được bán theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và yêu cầu Ban chỉ đạo cổ phần hóa, hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam thực hiện tổ chức, triển khai bán đấu giá cổ phần lần đầu theo đúng các quy định của pháp luật.

Tiếp tục xử lý những tồn tại về tài chính và công bố thông tin doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện chuyển Tổng công ty thành công ty cổ phần theo đúng quy định.

Vào ngày 24/9 Ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã tổ chức họp trong đó đưa ra kế hoạch bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng dự kiến như sau:

Thứ nhất, ngày 26/9 hoàn thiện hồ sơ đấu giá và nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Ngày 10/10 VietNam Airlines đã ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá và dự kiến ngày 14/10 tổ chức roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư và sẽ công bố thông tin trước khi đấu giá. Ngày 14/11 sẽ tổ chức bán đấu giá lần đầu ra công chúng.

Về nhà đầu tư chiến lược, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban chỉ đạo cổ phần hóa và hội đồng thành viên Tổng công ty Hàng không Việt Nam trên cơ sở lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do tư vấn quốc tế là Liên danh Morgan Stanley và Citigroup xây dựng và quản lý các nguyên tắc xây dựng, tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược đưa ra trong phương án cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Sau khi các nhà đầu tư tiềm năng gửi hồ sơ Tổng công ty có trách nhiệm xây dựng bộ tiêu chí làm cơ sở để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Vietnam Airlines sẽ triển khai quá trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược song song với quá trình IPO trong nước, liên tục cập nhật kết quả triển khai lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đến trước thời điểm Vietnam Airlines bán đấu giá thông qua website của Tổng Công ty và tại roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư chuẩn bị cho IPO trong nước.

Qua đánh giá sơ bộ, Bộ GTVT thấy rằng cổ phần hóa của Vietnam Airlines rất được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài quan tâm.

Theo phương án cổ phần trước mắt sẽ bán ra ngoài khoảng 25%, dự kiến bán cho cổ đông chiến lược 15-20%, 5-10% sẽ bán cho các cổ đông trong nước cũng như cán bộ công nhân viên Tổng công ty.

Việc bán cổ phần ra công chúng có thể thành công theo dự kiến vì các nhà cổ đông chiến lược có rất nhiều. Ngoài ra, lý do khẳng định việc bán ra công chúng thành công do dựa trên nguyên tắc song song quá trình xây dựng phương án cổ phần hóa, vấn đề quan trọng là xây dựng phương án sản xuất kinh doanh sau khi cổ phần hóa.

Những điểm mạnh là Vietnam Airlines sau khi cổ phần hóa tăng cường đội tàu bay đáp ứng được vận tải trong nước và quốc tế và có thể xây dựng việc mua mới đội tàu bay có công nghệ hiện đại.

Về mức giá kỳ vọng, hiện thương hiệu Vietnam Airlines có thương hiệu cả trong nước và quốc tế, đưa ra mức giá khởi điểm như vậy căn cứ trên nhu cầu và sức mua trên thị trường IPO, đây là mức giá hợp lý và có thể đạt được mức độ cao hơn.

Được biết hiện tại đã có một số nhà đầu tư chiến lược tiềm năng đến từ Nhật Bản, hai cái tên nổi bật nhất là All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL), ông có thể tiết lộ thêm về thông tin này?

Các nhà đầu tư chiến lược chọn với một số tiêu chí là các hãng hàng không lớn của thế giới, có liên kết nhiều đường bay đồng thời có kinh nghiệm và thương hiệu lớn. Khi chúng ta liên kết một mặt dựa trên thương hiệu của các hãng đó. Thứ 2, họ có thể hỗ trợ về đầu tư lâu dài nên không bất kể nước nào, kể cả Nhật Bản hay các nước ở châu Âu, Bắc Á… cũng là những nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, khi liên kết cũng phải tính đến bài toán cạnh tranh. Nếu liên kết với những nước trong khu vực như vậy sẽ tạo ra sự cạnh tranh không mở vì vậy phải liên kết với những hãng hàng không ở châu lục khác và có thế mạnh. Như vậy sẽ giảm cạnh tranh trong nội bộ khu vực chính là hướng Vietnam Airlines hướng tới.

Hỗ trợ Vietnam Airlines là tất yếu

Theo ông, sau khi cổ phần hóa, Vietnam Airlines có tạo động lực để phát triển không, Vietnam Airlines trong tương lai sẽ không chỉ mang thương hiệu là hãng hàng không quốc gia mà là còn đại diện của hàng triệu cổ đông trong và ngoài nước?

Hiện nay tại Việt Nam đã có 3 hãng hàng không ngoài Vietnam Airlines có Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air. Bản thân các hãng hàng không đã cổ phần hóa và có sức phát triển rất tốt.

Sau khi Vietnam Airlines cổ phần hóa các cổ đông chiến lược và cổ đông trong nước cũng sẽ tạo ra sức mạnh trong vấn đề nguồn vốn, công nghệ cũng như đội ngũ phục vụ tốt hơn.

Lâu nay mâu thuẫn vướng mắc hậu cổ phần hóa là cổ đông nhà nước vẫn nắm quyền chi phối, chỉ đạo, trường hợp Vietnam Airlines thì sao?

Vietnam Airlines hiện nay cổ phần hóa trước mắt để Vietnam Airlines phát triển dần lên. Theo chỉ đạo chung sẽ giảm dần vốn nhà nước xuống để đạt được cân bằng cổ phần hóa giữa lợi ích nhà nước cũng như lợi ích các cổ đông.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường. Ảnh: Nguyễn Thảo


Chúng ta cũng cần thiết tạo ra một vị thế cho Vietnam Airlines trong nước cũng như khu vực vì vậy Vietnam Airlines rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. Với tinh thần đó khi Vietnam Airlines phát triển tốt lên sẽ giảm dần cổ phần nhà nước không chỉ dừng lại mức 65% mà có thể thấp hơn.

Không còn là doanh nghiệp nhà nước chiếm 100% cổ phần chi phối, Vietnam Airlines có phải thực hiện các chuyến bay liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đưa đón nguyên thủ quốc gia, thưa ông?

Có thể nói bất cứ quốc gia nào các hãng hàng không đều có nhiệm vụ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thông qua sản xuất kinh doanh để đáp ứng có lãi.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng cũng là thực hiện các chuyến bay phục vụ quốc phòng, an ninh và phục vụ các chuyến bay chuyên cơ khác. Việt Nam cũng như các quốc gia khác, song trong quá trình thực hiện cũng cần hạch toán rõ ràng để không ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines.

Được biết Vietnam Airlines nâng cấp toàn bộ hệ thống máy bay, cổ phần hóa và đầu tư lớn hơn. Chính phủ "bật đèn xanh" cho đầu tư vốn này để nâng giá trị của Vietnam Airlines, thưa ông?

Khi Vietnam Airlines chưa cổ phần hóa Chính phủ đặt ra cho ngành GTVT cũng như Vietnam Airlines sớm hiện đại hóa đội tàu bay. Muốn hiện đại hóa đội tàu bay phải có nguồn vốn và trước đây là doanh nghiệp nhà nước, nhà nước phải đầu tư vào để nhanh chóng có đội tàu bay, sản xuất kinh doanh có lãi nhưng sau đó vẫn phải trả dần vốn vay cho Chính phủ.

Sau cổ phần hóa, nhà nước cũng chiếm giữ 75% vì vậy việc Nhà nước hỗ trợ Vietnam Airlines là điều tất yếu.

Việc cổ phần hóa Vietnam Airlines có tác động đến thị trường hàng không hay không? Sắp tới đây với chính sách mở cửa bầu trời Hiệp định Tự do hóa bầu trời ASEAN, Vietnam Airlines sẽ cạnh tranh với các hãng hàng không của các quốc gia khác như thế nào?

Hiện nay các nước trong khu vực đặc biệt các nước ASEAN có các hãng hàng không rất lớn đặc biệt như Thai Airways, Singapore Airlines… Hãng hàng không quốc gia nào cũng đều có sự hợp tác với nhau và đều có sự thỏa thuận trong vấn đề chiến lược và sản xuất kinh doanh.

Khi Vietnam Airlines phát triển lên đồng nghĩa với việc các hãng hàng không kia cũng phải có thay đổi đáp ứng nhu cầu phát triển mới tạo sức mạnh tổng thể đáp ứng nhu cầu đi lại, không chỉ vấn đề cạnh tranh ảnh hưởng đến nhau.

Có ý kiến cho rằng bản chất của cổ phần hóa Vietnam Airlines không được thực hiện đúng, vì sau cổ phần nhà nước vẫn nắm giữ % tương đối cao, quan điểm của ông như thế nào?

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng là hãng hàng không trẻ đang từng bước phát triển và hội nhập. Việc cổ phần hóa phải có bước đi thích hợp để bản thân hãng hàng không lớn lên và khi các nhà đầu tư trong nước mạnh hơn tham gia vào cổ phần Vietnam Airlines một mặt phát triển hàng không Việt Nam nhưng mặt khác làm doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn.

Chính vì vậy, ưu tiên doanh nghiệp trong nước tham gia cổ phần nhưng cũng có cái mở để doanh nghiệp nước ngoài tham gia tạo kết nối.

Xin trân trọng cảm ơn ông!