“Nhà đầu tư ngoại rút vốn vì lo ngại Việt Nam phá giá đồng nội tệ”

“Nhà đầu tư ngoại rút vốn vì lo ngại Việt Nam phá giá đồng nội tệ”

Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, cho rằng thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài rút vốn vì lo ngại Việt Nam có khả năng phá giá đồng nội tệ.

“Nếu nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam có xu hướng phá giá tiền VND họ sẽ ngưng đầu tư và rút vốn ra khỏi Việt Nam. Thực tế, việc phá giá có thể ngưng lại kế hoạch đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vì họ phải so sánh cơ hội đầu tư ở Việt Nam với việc phá giá đồng tiền VND”, ông Andy Hồ phân tích.

Trao đổi với BizLIVE, ông Andy Hồ cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD từ mức 0% - 0,25% trước đó lên mức 0,25% - 0,5% không có ý nghĩa cho tiền VND phá giá. Thực tế, thị trường tiền tệ đã điều chỉnh 3 - 6 tháng trước đó.

Vậy quyết định điều chỉnh lãi suất của FED sẽ tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam?

Trước hết, chúng ta biết FED đã bàn đến tăng lãi suất từ lâu và các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trên thế giới đã chuẩn bị tinh thần cho việc tăng lãi suất này. Việc FED chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD cho thấy sự xác nhận nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng tốt, kết thúc 10 năm khó khăn của Mỹ.

Việc tăng lãi suất đồng USD của FED cho thấy bức tranh rõ ràng hơn về kinh tế Mỹ, qua đó nhà đầu tư yên tâm hơn về tương lai kinh tế. Phản ứng trước động thái đó, TTCK Mỹ, chứng khoán toàn cầu đều tăng điểm, và Việt Nam cũng không là ngoại lệ (kết thúc phiên giao dịch ngày 17/12/2015 VN-Index đóng cửa ở 577,11 điểm, tăng 0,79%).

Lịch sử chứng minh nếu FED tăng lãi suất, TTCK sẽ tăng khoảng 20% sau 12 tháng. Nói như vậy để thấy, việc FED tăng lãi suất là tốt cho thị trường Mỹ.

Trở lại Việt Nam, quyết định của FED ảnh hưởng đến Việt Nam có lẽ đã ảnh hưởng rồi. Vì hầu hết các nhà đầu tư đều đã dự đoán FED sẽ tăng lãi suất. Việc ảnh hưởng đến Việt Nam nó thể hiện qua 2 yếu tố.

Thứ nhất, tiền VND mất giá so với USD và các đồng tiền tệ các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Euro… đều yếu đi so với USD. Tỷ giá VND/USD không bất ngờ với quyết định của FED.

Thứ hai, với TTCK Việt Nam, quan sát trong 2 tuần qua cho thấy nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn ra khỏi Việt Nam, bán nhiều hơn mua. Họ dự đoán Việt Nam có thể điều chỉnh tỷ giá và có động thái bán ra. Bây giờ bức tranh đã rõ ràng hơn nên nhà đầu tư lại "vào" TTCK. Bằng chứng là TTCK Mỹ tăng điểm và ngày 17/12 TTCK Việt Nam cũng đã tăng điểm.

Nói như vậy, việc FED tăng lãi suất có thể tác động tích cực đến TTCK Việt Nam vì sẽ có một dòng tiền đầu tư ngắn hạn đổ vào?

Tiền vào hay ra khỏi TTCK có nhiều yếu tố ảnh hưởng lắm. Nếu nói FED tăng lãi suất sẽ khiến nhà đầu tư ngoại bơm tiền vào Việt Nam là không chắc chắn, và chưa đủ cơ sở. Vì dòng vốn vào TTCK Việt Nam còn chịu tác động của nhiều yếu tố.

Ông có cho rằng quyết định của FED sẽ gây áp lực tăng tỷ giá VND/USD không?

Tôi cho rằng, FED tăng lãi suất không có ý nghĩa cho đồng VND phá giá. Thị trường tiền tệ Việt Nam đã điều chỉnh lâu rồi, đi trước thực tế 3-6 tháng.

Tỷ giá VND/USD trong thời gian qua chịu tác động của 2 yếu tố quan trọng là khả năng cung ngoại tệ của Nhà nước và ảnh hưởng biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. 2 yếu tố này ảnh hưởng nhiều hơn sự biến động lãi suất của FED.

Bởi ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước cam kết khống chế biến động tỷ giá VND/USD ở mức 2%, 6 tháng đầu năm các đồng ngoại tệ mất giá rất nhiều so với USD, nhưng Việt Nam vẫn khống chế ở 2%. Đến khi đồng NDT mất giá, Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá VND/USD rất nhanh. Lý do là Việt Nam phải cạnh tranh hàng hóa với Trung Quốc.

Nhiều quan điểm cho rằng việc phá giá tiền VND sẽ kích thích dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào TTCK Việt Nam. Ông thì sao?

Việc phá giá đồng VND không có ảnh hưởng tích cực lên TTCK Việt Nam, nhưng tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nếu đồng VND đang trong xu hướng mất giá, nhà đầu tư nước ngoài luôn phải cân nhắc, so sánh lợi ích có được từ cơ hội đầu tư ở Việt Nam với việc tiền VND mất giá.

Quan sát hoạt động kinh doanh của hơn 600 doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở cho thấy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp đang tốt lên, nên TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ tốt hơn.

Nếu lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng bình quân 15%, TTCK cũng sẽ tăng khoảng 15%.

Vậy theo ông yếu tố nào có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển tốt lên?

Lãi suất/chi phí vốn thấp sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chi phí vốn ở Việt Nam vẫn còn cao, hiện xấp xỉ khoảng 7%/năm điều này đồng nghĩa lợi nhuận đầu tư vào dự án phải 10%/năm trở lên.

Việc tìm cơ hội đầu tư để có lợi nhuận trên 7% đã hạn chế hơn. Nếu nền kinh tế có thể giảm chi phí vốn, doanh nghiệp có thể hoạt động tốt, có nhiều dự án đầu tư khả thi hơn.

Xin cám ơn ông!