Ngưỡng 600 điểm: Thử thách khó vượt qua

Thị trường chứng khoán Việt Nam lại đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh 600 điểm và một lần nữa lại không thể vượt qua.

Sau khi đóng cửa cuối phiên 4/3 đạt 600,4 điểm, VN Index tiếp tục có những diễn biến tích cực vào đầu phiên 5/3, khi tăng tiếp lên 602,4 điểm. Nhưng không được lâu, lực bán ra tại những mã có giá trị vốn hóa lớn đã đẩy chỉ số này xuống dưới 600 điểm trở lại. Phiên 6/3, nguồn cung cổ phiếu vẫn tỏ ra ưu thế hơn so với sức cầu.

Phiên 6/3, nguồn cung cổ phiếu vẫn tỏ ra ưu thế hơn so với sức cầu

Giằng co

Thanh khoản cũng không đủ để thuyết phục nhà đầu tư về xu thế tích cực của thị trường bởi khối lượng giao dịch trên cả hai sàn HSX và HNX đều chỉ quanh 130-140 triệu cổ phiếu/phiên. Sự giằng co, tăng giảm xen kẽ của các chỉ số Index trong những phiên vừa qua thể hiện rõ sự phân hóa về quan điểm của giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Cụ thể, nếu như nhà đầu tư nội hầu như hạn chế tham gia thị trường, mà chỉ giao dịch cầm chừng vào thời điểm năm mới. Trái lại, khối lại tỏ ra khá tích cực khi chỉ riêng trong tháng 2/2015 đã mua ròng gần 1.160 tỷ đồng trên hai sàn; chiếm tỷ trọng 20% giao dịch toàn thị trường. Lực cầu của khối nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu đến từ các quỹ ETF. Từ đầu năm đến nay, 2 quỹ ETF là VNM ETF và FTSE ETF hoạt động sôi nổi, giá chứng chỉ quỹ đều ở trạng thái thị giá cao hơn giá trị tài sản ròng. Đáng chú ý, việc các quỹ ETF phát hành chứng chỉ quỹ để thu hút vốn đều hết sức thành công. Trong đó, quỹ VNM ETF có thêm ngân quỹ 28,4 triệu USD từ hoạt động phát hành còn quỹ FTSE ETF thu hút được 4,26 triệu USD.

Đặc biệt, các quỹ này đều tăng cường giải ngân vào các cổ phiếu ngân hàng đã được niêm yết. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của các tổ chức tài chính nước ngoài về hoạt động tái cơ cấu trong hệ thống ngân hàng mà trọng tâm là sự tham gia của các ngân hàng quốc doanh có vai trò quyết định mua bán, sáp nhập các ngân hàng yếu kém thuộc diện xử lý. Trong khi đó, các thông tin về vĩ mô lại chưa có nhiều sự hỗ trợ cho thị trường khi tại buổi họp thường kỳ Chính phủ hôm 5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với phương án tăng giá điện bán lẻ thêm 7,5%, lên trung bình 1.622 đồng/kWh kể từ ngày 16/3. Nguồn thu từ tăng giá điện sẽ được dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng), đảm bảo khả năng tăng GDP 6,2% và kiểm soát lạm phát khoảng 5%. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết nếu không điều chỉnh năm 2015 sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. Việc tăng giá điện sẽ khiến cho tất cả các DN buộc phải tăng chi phí đầu vào trong sản xuất, kinh doanh và từ đó đẩy vào giá thành bán ra. Vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 vừa qua là giảm nhẹ 0,25% không mang nhiều ý nghĩa bởi các tháng tiếp theo lạm phát sẽ tăng dần khi giá của một loạt nhóm hàng hóa sẽ biến động.

Hướng dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn

Vào tuần giao dịch sắp tới, thị trường sẽ tiếp tục đón nhận thông tin tái cơ cấu danh mục của quỹ VNM ETF. Nhà đầu tư sẽ tập trung vào những thông tin này để hướng dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn. Như vậy, các cổ phiếu trong rổ chỉ số nhiều khả năng sẽ hưởng lợi khi nguồn vốn có được sau khi bán các mã này sẽ được phân bổ cho các cổ phiếu còn lại trong danh mục, và các mã đang vượt tỷ trọng cho phép như MSN, VIC cũng sẽ ảnh hưởng vì buộc phải bán ra để giảm tỷ trọng. Mốc 600 điểm vẫn là một thử thách khó vượt qua.