Nghị định 60: Tháo nút thắt cho dòng vốn ngoại

Nghị định 60: Tháo nút thắt cho dòng vốn ngoại

(NDH) TS. Nguyễn Thành Long cho rằng Nghị định 60 có thể tháo "nút thắt" giúp chứng khoán Việt Nam thăng hạng lên nhóm Thị trường mới nổi.

TTCK Việt Nam đang chờ đợi về NĐ 60. Ảnh minh hoạ

UBCK cho biết ngày 13/8 sẽ chính thức có hội thảo về hướng dẫn Nghị định 60.

Tháng 7/2000, TTCK Việt Nam chính thức hoạt động chỉ với 6 công ty chứng khoán và 4 doanh nghiệp. Trải qua 15 năm phát triển, giờ đây TTCK Việt đang đứng trước cơ hội lớn để nâng hạng thị trương từ cận biên lên mới nổi

NĐ 60-"Cây đũa thần" đưa chứng khoán VN nâng hạng

Theo thống kê của VSD, ngay sau khi quyết định nới room được Thủ tướng Chính Phủ thông qua,có 40 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài đã mở tài khoản giao dịch chứng khoán mới tại Việt Nam trong tháng 7 – mức cao nhất kể từ đầu năm 2010.

Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón nhận tổng cộng 140 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài mới và 358 nhà đầu tư cá nhân nước ngoài.

Làn sóng nhà đầu tư ngoại tăng cường đầu tư trước thềm NĐ 60 có hiệu lực ngày càng mạnh. Điều này cho thấy sự nhạy cảm về chính sách của nhà đầu tư ngoại cũng như tính tích cực của chính sách tác động vào thị trường.

Nói về NĐ 60, TS. Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho hay, việc "nới room" sẽ giúp thu hút tốt nguồn vốn ngoại không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà còn tạo ra sức mạnh lan toả đối với các doanh nghiệp nhỏ.

Ông Long cũng lưu ý, khi mở cửa thị trường, một điểm quan trọng là hiện TTCK Việt Nam sau 15 năm phát triển vẫn đứng trong thị trường cận biên.

Cốt lõi trong các bảng xếp hạng này là lấy tiêu chí sở hữu nước ngoài. Những năm qua, tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã tăng song chưa đủ để nâng hạng.

"Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại chính là "nút thắt" mà khi tháo bỏ được sẽ giúp chứng khoán Việt Nam nâng hạng lên thị trường mới nổi", ông Long khẳng định.

Ông phân tích rõ lợi ích khi nâng hạng. Cụ thể, ở thị trường cận biên,nhà đầu tư nước ngoài sẽ ít đầu tư bởi mức độ rủi ro tương đối.

Tuy nhiên nếu được nâng hạng, số lượng nhà đầu tư nước ngoài tham gia nhiều hơn, tỉ trọng phân bổ vốn sẽ được nâng lên, kích hoạt dòng vốn ở cả chất lượng chiều sâu. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được nhiều dòng vốn hơn.

Theo đó, ông Long nhận định NĐ 60 với việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ tạo hiệu ứng đa chiều, là cơ sở để tái cấu trúc TTCK.

"Suy cho cùng thì NĐ cũng hướng đến làm tăng lượng chứng khoán có chất lượng lên, đa dạng hoá các sản phẩm trên thị trường, nhiều loại hình cho nhà đầu tư nước ngoài hướng đến", ông Long nhận định.

Tuy nhiên, để tăng cường sự thu hút của nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp nhỏ, khả năng thanh khoản dưới 200.000 CP/ngày là khó khăn.

Theo đó, ông Long khuyến nghị các doanh nghiệp cần phải minh bạch, hoạt động sản xuất kinh doanh cùng năng lực quản trị thật tốt, tăng cường tính giải trình, hấp thụ dòng vốn ngoại.

Dưới góc độ một quỹ đầu tư, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital cho hay, hiện thị trường cận biên có 15 nước, vốn hoá của Cô-oét chỉ đạt 90 tỷ USD, lớn hơn không nhiều với VN. Hay như đất nước vừa mới trải qua khủng khoảng Argentina vốn hoá chỉ 50 tỷ USD nhưng chiếm tới 12% vốn của thị trường cận biên. Thị trường Việt Nam rất tiềm năng năng nhưng hiện tại chỉ chiếm 3% vốn của thị trường cận biên.

"Tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài rất quan trọng, nó là cơ sở để căn cứ nâng hạng. Tôi cho rằng sự ra đời của NĐ 60 là rất quan trọng, một bước đi đúng đắn để nâng tầm TTCK Việt Nam", ông Tuấn nói.

Nới room: Vốn ngoại đổ quá nhiều, có gây bong bóng đổ vỡ?

Nhiều luồng ý kiến cho rằng việc nới room 100% trong trường hợp vốn ngoại đổ vào Việt Nam quá lớn sẽ gây ra nguy cơ bong bóng chứng khoán giống như bài học từ Trung Quốc vừa diễn ra.

Nói về nguy cơ này, ông Long cho biết khi nghiên cứu NĐ 60 UBCK đã có sự tham khảo và tìm hiểu bài học đi trước của các nước trong khu vực và đã có tính toán đến khả năng đó.

Tuy nhiên, ông Long khẳng định rằng với các chính sách đã ban hành có thể kiểm soát được bong bóng bởi đã có hệ thống thông tin tổng hợp dòng vốn, quản trị…khá ổn định.

"Trong trường hợp dòng vốn vào quá nhiều, Việt Nam có chính sách chốt trụ, giảm khả dụng, giảm nguy cơ bong bóng. Chúng ta củng cố dự trữ ngoại tệ.Vì vậy dòng vốn ra vào nhiều không phải là nguyên nhân gây ra khủng hoảng mà chỉ đào khoét thêm những yếu kém của hệ thống. Như vậy, năng lực quan trị rủi ro phải tốt", ông Long nói.

Nhìn chung khi mở cửa VN đã có sự chuẩn bị rất thấu đáo, ứng xử trong mọi tình huống, không xảy ra bong bóng chứng khoán. Mặt khác, bản thân các tổ chức đầu tư này cũng có sức đề kháng với các những rủi ro.

Trong khi đó, ông Tuấn cho biết, kinh nghiệm 15 năm mở cửa TTCK, tiêu biểu như Thái Lan và Indonesia, chưa có trường hợp nào nhà đầu tư ngoại tạo ra ảnh hưởng xấu lên nền kinh tế mà thường có tác động tích cực giúp kinh tế phát triển.

Vấn đề mở room 100% còn khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng sẽ bị thâu tóm. Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế khẳng định đã tham gia vào cuộc chơi thì phải chấp nhận cạnh tranh, có cạnh tranh mới phát triển được. Tuy vậy, ông Thành cho rằng việc tham gia của nước ngoài còn phụ thuộc vào điều lệ của HĐQT các doanh nghiệp, tuỳ theo nhu cầu và mục đích của từng doanh nghiệp.

>>>Tọa đàm nới room: NĐ60 được coi là bản 'chào hàng' sáng giá đối với NĐT nước ngoài

>>>Tuần tới, UBCK tổ chức hội thảo quy định cụ thể về nới room