Nghị định 60: Sau hủy niêm yết, DN bắt buộc giao dịch trên UpCom

(NDH) Nghị định mới quy định cổ phiếu của công ty hủy niêm yết nếu vẫn đáp ứng đủ điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCom.

Ngày 26/6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Ngoài những thay đổi lớn xung quanh Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, Nghị định 60 cũng sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan tới việc hủy niêm yết của các doanh nghiệp.

Theo đó, Nghị định 60 bổ sung thêm trường hợp tổ chức phát hành bị hủy bỏ niêm yết (hủy niêm yết bắt buộc- pv).

Điều 60. Huỷ bỏ niêm yết
1. Chứng khoán bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:
Nghị định 58

e) Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại do sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động;

Nghị định 60

e, Tổ chức niêm yết chấm dứt sự tồn tại hoặc không đáp ứng điều kiện niêm yết do sáp nhập hợp nhất, chia, tách, giải thể hoặc phá sản hoặc do tổ chức phát hành thực hiện chào bán, phát hành từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi lấy cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp khác; quỹ đầu tư chứng khoán chấm dứt hoạt động; tổ chức niêm yết không đáp ứng được điều kiện là công ty đại chúng.

Như vậy, trong trường hợp tổ chức niêm yết không đáp ứng điều kiện niêm yết sau khi thực hiện chào bán, phát hành từ 50% trở lên số lượng cổ phiếu đang lưu hành để hoán đổi lấy cổ phiếu thì sẽ phải thực hiện hủy niêm yết bắt buộc.

Đối với hoạt động hủy niêm yết tự nguyện, tổ chức chỉ được hủy niêm yết khi có sự chấp thuận của 51% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn, thay vì 50% như quy định trước đó. Tổ chức niêm yết chỉ được hủy niêm yết sau tối thiểu hai năm niêm yết trên Sở GDCK.

Đáng chú ý, cổ phiếu của công ty hủy niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UpCom.

Việc doanh nghiệp xin hủy niêm yết tự nguyện không quá lạ lẫm đối với các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Từ đầu năm đến nay, Sở GDCK Tp.HCM đã thực hiện hủy niêm yết tự nguyện đối với mã cổ phiếu SBC của CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn và MPC của CTCP Minh Phú. Cả hai cổ phiếu này đến nay vẫn chưa đăng ký giao dịch trên UpCom.

Riêng đối với MPC, HoSE đã yêu cầu Minh Phú đăng ký giao dịch trên UpCom rồi mới chấp thuận cho hủy niêm yết.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, hàng loạt doanh nghiệp cũng đã xin ý kiến cổ đông để được chấp thuận hủy niêm yết tự nguyện.

Cụ thể, CTCP Beton 6 (mã BT6- HOSE) đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch hủy niêm yết với lý do tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tập trung phát triển doanh nghiệp. Còn CTCP Thế kỷ 21 (mã C21- HoSE) sau phiên họp ĐHĐCĐ tranh luận quyết liệt, với tỷ lệ đa số cổ đông không phải cổ đông lớn biểu quyết chấp thuận, phương án hủy niêm yết được thông qua.

Lý do HĐQT đưa ra là trong hơn 4 năm niêm yết, C21 không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn. Tại Đại hội, công ty cam kết sẽ đăng ký giao dịch trên UpCom nếu đủ điều kiện công ty đại chúng.

Sắp tới đây, thêm một doanh nghiệp nữa, CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF- HOSE), cũng sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để xin “rút” khỏi sàn. Quy định chuyển sang giao dịch sang UpCom sẽ để đảm bảo quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ của công ty khi được đảm bảo có kênh giao dịch cổ phiếu sau khi cổ phiếu rời sàn.