Cuối tháng 6/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015 NĐ- CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 58 qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.
Ngoài những thay đổi lớn xung quanh Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng, đối với hoạt động phát hành riêng lẻ, Nghị định 60 cũng đã có quy định cụ thể trong công bố thông tin phát hành riêng lẻ cổ phiếu và đặt ra những hạn chế đối với đối tượng nhà đầu tư được chào bán riêng lẻ.
Công bố thông tin về NĐT được chào bán hoặc tiêu chí lựa chọn NĐT
Theo các quy định cũ, khi thực hiện chào bán chứng khoán riêng lẻ, công ty đại chúng cần phải có quyết định của ĐHĐCĐ thông qua phương án chào bán và sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán; xác định rõ đối tượng, số lượng nhà đầu tư.
Tuy nhiên, về đối tượng chào bán riêng lẻ, quy định trong Nghị định 60 có phần được nới lỏng hơn, khi chỉ yêu cầu công ty đại chúng xác định nhà đầu tư được chào bán hoặc tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chào bán.
Trong một số trường hợp ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ sở hữu, công ty đại chúng phải xác định rõ nhà đầu tư để ĐHĐCĐ thông qua. Chỉ thay đổi sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận, bao gồm trường hợp việc chào bán dẫn tới tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân đó sở hữu vượt 25% cổ phiếu có quyền biểu quyết hoặc trường hợp bán cho một tổ chức, cá nhân hoặc một nhóm tổ chức, cá nhân và người có liên quan của tổ chức, cá nhân đó từ 10% trở lên vốn điều lệ của tồ chức phát hành trong một đợt chào bán hoặc trong các đợt chào bán trong 12 tháng gần nhất.
Quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu riêng lẻ (tối thiểu một năm) và khoảng cách giữa các đợt chào bán (ít nhất 6 tháng) không có sự thay đổi.
Hạn chế đối tượng chào bán riêng lẻ
Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 60 đối với hoạt động chào bán riêng lẻ của công ty đại chúng và chào bán riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ (phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ) hoặc hoán đổi cổ phần của công ty chưa đại chúng, tổ chức phát hành không phải là công ty mẹ của tổ chức được chào bán cổ phiếu; hoặc cả hai tổ chức này không phải là các công ty con của cùng một công ty mẹ.
Việc xác định mối quan hệ mẹ - con giữa hai doanh nghiệp không quá khó khăn nhờ các thông tin trên BCTC của công ty đại chúng. Tuy nhiên, mối quan hệ "anh - em", các công ty con của cùng một công ty mẹ lại hiếm khi được công khai nếu công ty mẹ không có nghĩa vụ công bố thông tin.
Việc phát hành cổ phiếu, đặc biệt trường hợp phát hành cổ phiếu cấn trừ công nợ, không hiếm trường hợp xuất hiện NĐT được chào bán là "người quen" của tổ chức phát hành. Việc hạn chế các đối tượng có liên quan tới tổ chức phát hành (gồm công ty con của TCPH và các công ty cùng công ty mẹ với TCPH) sẽ giúp hạn chế dòng vốn chạy vòng quanh và những rủi ro do sở hữu chéo.
Hoạt động chào bán cổ phiếu riêng lẻ hoán đổi nợ và cổ phần của công ty chưa đại chúng, theo quy định phải có "sự góp mặt" của kiểm toán. Cụ thể, khoản nợ được phép hoán đổi phải là khoản nợ đã được trình bày trong BCTC kiểm toán gần nhất. Đối với phát hành cổ phiếu hoán đổi, BCTC của công ty góp vốn được hoán đổi phải được kiểm toán với ý kiến chấp thuận toàn bộ, không ngoại trừ.
Như trong trường hợp CTCP Đức Long Gia Lai phát hành cổ phiếu hoán đổi cổ phần của Mass Noble, Mass Noble phải cung cấp được BCTC kiểm toán với ý kiến chấp thuận toàn bộ. Thương vụ phát hành cổ phiếu SHN hoán đổi cổ phần của CTCP Tập đoàn Đầu tư An Bình (ABG) dự kiến thực hiện vào quý III/2015, ABG cũng cần cung cấp BCTC kiểm toán mới đáp ứng điều kiện phát hành.