Ngày Lafooco về tay PAN Food

Ngày Lafooco về tay PAN Food

Thâu tóm Lafooco nằm trong chiến lược đầu tư mở rộng vào thực phẩm của PAN Food.

Cuối tháng 7/2015, sau khi chi ra gần 70 tỉ đồng để mua thêm 4,8 triệu cổ phiếu LAF của Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food) đã chính thức trở thành công ty mẹ của Lafooco. Theo thông tin từ Công ty, đây là bước đi nằm trong chiến lược đầu tư mở rộng vào các công ty nông nghiệp thực phẩm của PAN Food.

PAN Food là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (PAN), do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch. Ông Hưng cũng là Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Ngay khi thành lập PAN Food vào cuối năm 2014, nhất là sau khi tăng vốn điều lệ của công ty này từ mức 100 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng vào đầu năm nay, PAN đã giao cho PAN Food nhiệm vụ trở thành công ty nông nghiệp thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Để làm được điều này, từ 2 năm trước, PAN đã chọn mua lại những công ty có sẵn thị trường, bộ máy… để làm nền tảng phát triển. Trong đó, PAN đã hợp nhất được Công ty Giống cây trồng Trung Ương (NSC) - một đơn vị có tình hình kinh doanh tài chính lành mạnh, sau đó thông qua NSC phát triển thêm Công ty Giống cây trồng Miền Nam (SSC). Còn với Công ty Thủy sản Bến Tre (ABT), PAN nhìn vào lợi thế về nguyên liệu hải sản của công ty này. Ở trường hợp Bibica, tuy gặp một số vấn đề về nội bộ nhưng đây lại là công ty trong nhóm dẫn đầu của ngành bánh kẹo.

Tại những doanh nghiệp mà PAN tham gia đầu tư, PAN đều trở thành cổ đông lớn nhất nhì. Sau khi lập ra PAN Food, PAN tiến hành chuyển nhượng gần hết các cổ phiếu trong ngành thực phẩm nông nghiệp cho PAN Food.

Hiện PAN Food đang sở hữu 3 công ty con và 1 công ty liên kết. Công ty vừa đổ thêm tiền vào Bibica để tăng sở hữu lên gấp đôi, nắm 42,25% vốn điều lệ. Công ty cũng tăng tỉ lệ nắm giữ từ 23,03% lên mức 56,03% vốn của Lafooco. Mức sở hữu ở ABT là 63,3% vốn. Riêng khoản đầu tư ở NSC, PAN Food sở hữu 57,86% vốn thông qua PAN.

PAN Food không chỉ đầu tư tài chính đơn thuần mà còn tham gia sâu vào những đơn vị mình rót vốn. Ở thời điểm Lafooco còn là công ty liên kết, PAN Food thông qua PAN để tăng cường sự hiện diện qua việc cử thành viên vào Hội đồng Quản trị và Ban kiểm soát. Đặc biệt, từ ngày 1.10.2014, chức vụ Tổng Giám đốc về tay ông Nguyễn Văn Khải, thành viên Hội đồng Quản trị, cũng là Phó Tổng Giám đốc của PAN. Đến ngày 8.1.2015, ông Khải lên nắm giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị ở Lafooco và nhường ghế Tổng Giám đốc cho người khác.

Về phía Lafooco, đây là đơn vị trong top 10 công ty chế biến điều hàng đầu của Việt Nam, từng đạt doanh thu gần mức 1.000 tỉ đồng trong 3 năm 2010-2012. Ở những thời điểm khác, doanh thu có phần suy giảm nhưng mức trung bình vẫn là 600-700 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, nhìn tổng quan báo cáo tài chính, bức tranh kinh doanh của Lafooco lại có nhiều mảng tối.



Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Lafooco qua từng năm

Trong cơ cấu tài sản tại thời điểm cuối tháng 6.2015, hàng tồn kho của Lafooco chiếm đến 51%. Về cơ cấu nợ, nợ vay ngắn hạn chiếm đến 92,2% tổng nợ. Đáng chú ý, Lafooco vẫn còn lỗ lũy kế chưa phân phối 91,3 tỉ đồng. Đây là khoản thua lỗ từ năm 2012 để lại và Lafooco phải dùng lợi nhuận từng năm bù vào. Với tình hình đó, mấy năm qua, cổ đông Lafooco không được chia cổ tức.

Xét hoạt động kinh doanh, do giá vốn hàng bán thường chiếm 95-96% doanh thu nên lãi gộp của Lafooco còn lại không bao nhiêu. Trong khi đó, các khoản chi phí như chi phí bán hàng, chi phí lãi vay lại tăng. Trong 6 tháng đầu năm nay, riêng chi phí đã vượt trội hơn lãi gộp 1 tỉ đồng. Nếu Lafooco không có nguồn thu tài chính kéo lại, Công ty đã bị thua lỗ.

Nhìn trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Công ty vẫn đang ở mức dòng tiền âm trong kỳ. Đặc biệt, dòng tiền từ kinh doanh luôn thâm hụt. Không có nguồn tiền từ đầu tư tài chính hỗ trợ, nhất là các khoản vay nhận được, dòng tiền của Lafooco sẽ còn ở mức đáng báo động. Đáng nói, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm. Ở năm kinh doanh tốt nhất của Lafooco (2010), Công ty cũng chỉ đạt tỉ suất lợi nhuận/doanh thu là 8,9%.

Tuy nhiên, hiện nay Lafooco đã cho thấy một số tín hiệu lạc quan. Chẳng hạn, hàng tồn kho của Lafooco chủ yếu là nguyên liệu. Đây là nguyên liệu đầu tư cho sản xuất. Theo đánh giá của Ban quản trị Lafooco, năm 2014, Công ty đã biết gắn đầu vào nguyên liệu với đầu ra sản phẩm, không đầu cơ nguyên liệu điều thô để tránh rủi ro.

Về mức nợ vay, con số nợ vay ngắn hạn tăng 3,3 lần so với cùng kỳ cho thấy, các ngân hàng không khó khăn với Lafooco. Theo báo cáo của Lafooco, các ngân hàng đã sẵn sàng cho Công ty vay vốn theo yêu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh với mức lãi vay hợp lý hơn. Trong 6 tháng đầu năm nay, VietinBank đã cho Lafooco vay thêm 146 tỉ đồng. Hay PGBank cũng đã cho vay 34,2 tỉ đồng.

Trong kế hoạch dài hạn đến năm 2020, Công ty đặt mục tiêu ưu tiên sản xuất kinh doanh các mặt hàng cho giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, đậu phộng nước cốt dừa, nhân điều tẩm các loại gia vị, sản xuất nhân điều, giảm dần tỉ trọng điều thô, vốn là một mặt hàng chủ lực của Lafooco. Tỉ suất lợi nhuận mà Lafooco hướng tới là khoảng 30% so với vốn điều lệ, tương đương lợi nhuận dự kiến 30-50 tỉ đồng/năm.

Trước mắt trong năm 2015, Lafooco sẽ hoàn tất nhà máy chế biến điều tại Khu Công nghiệp Lợi Bình Nhơn (Long An) với máy móc thiết bị tiên tiến, cải tiến hệ thống quản lý để gia tăng cạnh tranh. Công ty kỳ vọng doanh thu tăng thêm khoảng 30% và lãi đạt 24,12 tỉ đồng, gấp đôi so với năm 2014. Nhưng với mức lãi 6 tháng đầu năm chỉ mới đạt được 3,6 tỉ đồng, mục tiêu này được dự đoán sẽ khó hoàn thành.

Sau khoản thua lỗ hơn 152 tỉ đồng vào năm 2012 (dù đang dần hồi phục), Lafooco vẫn là cổ phiếu cần phải “dè dặt” trong mắt nhà đầu tư. Vậy PAN Food gia tăng đầu tư vào Lafooco vì mục đích gì?

Tuy còn thua lỗ lũy kế nhưng Lafooco là công ty đi tiên phong với 31 năm kinh nghiệm trong ngành chế biến điều, tạo dựng được thương hiệu Lafooco, OEM ở những thị trường mà Công ty đặt chân đến như Trung Quốc, Mỹ, Úc, Hà Lan, Hồng Kông, Anh, Đức, Canada…Công ty cũng có mặt trong tốp 5 doanh nghiệp có năng lực chế biến điều lớn nhất với công suất đạt 25.000 tấn/năm. Nhờ đó, Lafooco liên tục nằm trong nhóm 10 công ty xuất khẩu nhân điều lớn nhất cả nước với kim ngạch xuất khẩu năm 2014 trên 30 triệu USD, chiếm 2,5% thị phần cả nước.

Với 345 công ty hoạt động trong ngành xuất khẩu điều nhân và hơn 73% công ty trong số này có kim ngạch xuất khẩu dưới 5 triệu USD/năm, vị thế này của Lafooco là đáng chú ý.

Đây được xem là bước đệm giúp PAN Food xây dựng một nền tảng thực phẩm lớn hơn, góp phần đa dạng hóa những sản phẩm mà PAN Food sẽ cung cấp cho thị trường. Mặt khác, thị trường xuất khẩu điều Việt Nam cũng đã 9 năm liền giữ vị trí dẫn đầu thế giới. Năm ngoái, lần đầu tiên xuất khẩu điều đạt kim ngạch trên 2 tỉ USD. Năm nay, ngành điều dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu 2,5 tỉ USD. Với triển vọng đó, PAN Food có thêm lý do để tiếp tục rót tiền vào Lafooco bất chấp công ty này vẫn còn lỗ lũy kế.