Ngành thép trước sức ép hội nhập

Cánh cửa hội nhập đang dần rộng mở, không chỉ mang đến nhiều cơ hội cho các DN Việt, mà còn đặt ra nhiều thách thức. Bởi khi thuế suất nhập khẩu hàng hóa bằng 0%, sức ép cạnh tranh của các DN vô cùng lớn.

Theo nhận định của giới chuyên gia kinh tế, khó khăn nhất vẫn là ngành thép khi phải đối diện với hai "đại gia” Trung Quốc và Nga.

Chưa hết áp lực cạnh tranh với "người láng giềng”…
Các chuyên gia ngành thép cho biết, tiêu thụ thép đã và đang gặp nhiều khó khăn trong suốt thời gian dài vừa qua. Kể từ khi thị trường bất động sản trầm lắng đến nay, ngành thép luôn ở tình trạng lao đao do tồn kho lớn, không tiêu thụ được hàng hóa. Tình trạng cung vượt xa cầu đã và đang khiến các DN ngành thép đứng ngồi không yên. Khó khăn kéo dài khiến không ít DN thép thua lỗ. Không chỉ khó khăn từ thị trường trong nước, sức ép hội nhập cũng đang ẩn chứa mối lo lớn đối với các DN ngành thép hiện nay.
Nhìn lại bức tranh ngành thép trong một số năm trở lại đây vốn đã không có vẻ gì sáng sủa. Lý do cũng bắt nguồn từ chính "đại gia” láng giềng Trung Quốc. Một trong những thỏa thuận mà Việt Nam đã tham gia ký kết và thực hiện là Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA). VSA cho biết, việc cắt giảm theo lộ trình ACFTA, ngành thép Việt Nam đã vô cùng lao đao vì thép Trung Quốc ồ ạt tràn vào trong nước bằng cả con đường chính ngạch lẫn thép nhập lậu. Con số thống kê của ngành chức năng cho biết, năm 2013, tổng giá trị các loại thép nhập từ Trung Quốc về Việt Nam là hơn 8 tỷ USD.
Dư luận đã từng chứng kiến không ít DN thép bị phá sản, đóng cửa hồi năm 2013 do thép Trung Quốc nhập lậu lấn át thép trong nước. Giá thép nhập lậu từ Trung Quốc luôn thấp hơn giá trong nước, khiến cho thép nội không thể cạnh tranh nổi. Chính sự cạnh tranh không cân sức đó đã khiến cho thị trường thép một thời gian dài trầm lắng, các DN ngành thép phải hoạt động cầm chừng. Tình trạng đó đã kéo dài lâu nay, và trên thực tế ngành thép vẫn chưa lúc nào hết mối lo do áp lực từ "người láng giềng” Trung Quốc.
…Lại lo sức ép đến từ "người khổng lồ” Nga
Chưa hết lo phải cạnh tranh với thép Trung Quốc, "đại gia đình” ngành thép lại phải tiếp tục đối mặt với những sức ép đến từ "người khổng lồ” Nga, khi mà cánh cửa hội nhập đã và đang rộng mở, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) đang được tiến hành ký kết. Theo đề xuất của Nga và Bộ Tài chính, thuế suất với nhóm ngành sắt thép sẽ về 0% ngay lập tức sau khi Hiệp định được ký kết (dự kiến sẽ vào năm 2015), chỉ một số có thuế suất giảm dần về 0% trong 5 năm. Đây thực sự là thông tin gây sốc đối với cộng đồng DN sản xuất thép. Bởi, đã từ lâu Nga nổi tiếng là đất nước có thị trường thép phát triển mạnh mẽ vào bậc nhất thế giới.
Đón nhận thông tin này, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã thẳng thắn nêu quan điểm: Ngành công nghiệp thép Việt Nam, đặc biệt là mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu một sự cạnh tranh khốc liệt với "người khổng lồ” trong ngành công nghiệp thép thế giới là Nga, thậm chí sự cạnh tranh còn lớn hơn rất nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc.
Không những lo ngại về một áp lực cạnh tranh quá lớn, VSA còn bày tỏ lo ngại rằng nếu thuế suất bằng 0%, nguy cơ nhiều DN thép đứng bên bờ vực phá sản là điều sẽ xảy ra. Một số liệu được VSA dẫn ra cho thấy, những nhận định về nguy cơ nói trên là hoàn toàn có cơ sở. Theo đó, năm 2013, Nga đứng thứ 5 về sản lượng thép thô trên thế giới với 68,7 triệu tấn và xuất khẩu 23,6 triệu tấn - đứng đầu lượng xuất khẩu thép của thế giới. Trong khi đó, với công suất hiện nay của các nhà máy thép Việt Nam - chỉ hơn 11 triệu tấn (sản lượng thép thô chỉ 5,6 triệu tấn), đây thực sự là một con số quá khiêm tốn so với khả năng của "người khổng lồ” Nga.
Đứng trước những nguy cơ đã hiện hữu rất gần đối với ngành thép Việt Nam, Hiệp hội Thép đã có văn bản đề nghị liên Bộ Tài chính - Công thương xem xét lại đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu sắt thép từ Nga. Theo VSA, việc cắt giảm mức thuế về 0% đối với hầu hết các mặt hàng thép nguy cơ hàng loạt DN sản xuất thép tại Việt Nam đóng cửa sẽ vô cùng lớn, vì không thể cạnh tranh được với 2 "đại gia” Nga và Trung Quốc. Bởi vậy, VSA đã đưa ra đề xuất, cần có lộ trình giảm thuế từ từ, chứ không nên đưa về mức 0% ngay như đề xuất hiện nay. Hiệp hội Thép cũng đề nghị, nhà quản lý nên xem xét đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước.