Ngành nào có cơ hội dẫn dắt thị trường trong năm 2015?

Ngành nào có cơ hội dẫn dắt thị trường trong năm 2015?

(NDH) Nhóm cổ phiếu Ngân hàng, có thể là một ứng cử viên sáng giá để dẫn dắt thị trường trong năm 2015. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác như Xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuất khẩu, Hóa chất và Kho vận nhiều khả năng cũng sẽ nổi bật.

Đó là nhận định của ông Trần Minh Hoàng - Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Thị trường - Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) khi trả lời phỏng vấn Người Đồng Hành nhân dịp đầu năm mới.

Ông Trần Minh Hoàng

Ông có thể đưa ra những dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2015?

Về triển vọng kinh tế năm 2015, tôi cho rằng sự ổn định sẽ được đảm bảo và duy trì tốt. Các nguồn lực nhiều khả năng sẽ tiếp tục được tập trung thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu. Theo đó, động lực mới cho tăng trưởng nhiều khả năng sẽ chưa sớm xuất hiện, chủ yếu vẫn đến từ FDI, xuất khẩu và đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiệp định TPP có thể sẽ là một cú hích cho tăng trưởng nếu diễn biến thuận lợi và được ký kết sớm. Cầu đầu tư và tiêu dùng nhiều khả năng sẽ có cải thiện tốt hơn trong bối cảnh giá dầu lao dốc nhưng khả năng bứt phá mạnh sẽ chưa thể sớm đến. Tăng trưởng GDP năm 2015 dự báo sẽ vào khoảng 5,9% - 6%.

Trong bối cảnh sức cầu trong nước được dự báo khó có những cải thiện mạnh kết hợp với giá năng lượng ở mức tương đối thấp, tôi kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt với mức tăng thấp khoảng 3,5%-3,7% trong năm 2015.

Về tỷ giá, sau việc điều chỉnh 1% vào đầu năm 2015, áp lực lên tỷ giá trong 6 tháng tới là không lớn và dự báo sẽ không có thêm lần điều chỉnh nào nữa trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm đặc biệt là sau khi FED nâng lãi suất, rủi ro tỷ giá là một yếu tố cần phải cân nhắc và được nhìn nhận là lớn hơn rất nhiều so với cùng giai đoạn năm 2014. Lần điều chỉnh tỷ giá tiếp theo rất có thể sẽ vào Quý 3.

Mục tiêu giữ tỷ giá không điều chỉnh quá 2% của NHNN được đánh giá là khá thử thách và phải đối mặt với các vấn đề chính như (1) đồng USD mạnh lên cùng sự cải thiện của kinh tế Mỹ và hiệu ứng của việc FED tăng lãi suất; (2) khả năng kiểm soát tăng trưởng tín dụng ngoại tệ và (3) chính sách duy trì mặt bằng lãi suất VND thấp để hỗ trợ tăng trưởng.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ không tăng hoặc có thể giảm đôi chút trong nửa đầu năm 2015, nhưng dư địa giảm, nếu có, cũng rất ít. Trong nửa cuối năm, do chịu áp lực từ đồng USD mạnh lên nên áp lực lên lãi suất là hiện hữu. Nhà điều hành sẽ phải cân nhắc giữa tỷ giá và lãi suất nhưng có lẽ việc tăng lãi suất sẽ là biện pháp cực chẳng đã khi nền kinh tế vẫn đang cần các biện pháp nới lỏng và kích thích để hỗ trợ đà phục hồi.

Ông đánh giá như thế nào về các bước phát triển của thị trường trong năm 2014?

Tôi nhận thấy sự phát triển tích cực và đúng hướng của thị trường trong năm 2014. Thanh khoản có sự cải thiện tốt, dòng tiền nội và ngoại được thu hút, đặc biệt là vào các doanh nghiệp có tình hình kinh doanh khả quan. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng khá nỗ lực trong việc xây dựng và định hướng thị trường theo chuẩn quốc tế trong đó có việc xây dựng các bổ chỉ số mới và tạo điều kiện để ETF nội ra đời.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thì những hạn chế cũng khó có thể tránh khỏi như các cổ phiếu có yếu tố “đội lái” vẫn khá phổ biến hay hành lang pháp lý dành cho sản phẩm phái sinh hay “nới room” được triển khai chậm, ….

Ông dự báo như thế nào về xu hướng chính của TTCK Việt Nam trong năm 2015? Thị trường sẽ có những cơ hội đầu tư nào trong năm nay?

Mặc dù vẫn còn những khó khăn nhất định nhưng với triển vọng về sự ổn định và đà phục hồi đúng hướng của nền kinh tế, thị trường chứng khoán được dự báo sẽ tiếp tục có một kịch bản tích cực trong năm 2015.

Tôi kỳ vọng cao vào kịch bản TTCK Việt Nam tăng điểm với các nhịp lên xuống mạnh của hai chỉ số trong năm 2015.

Các chính sách và sự kiện quan trọng có sức ảnh hưởng lớn đến sự vận động của thị trường chứng khoán như hiệp định TPP, FTA, quyết định nới room, FED nâng lãi suất, diễn biến giá Dầu, … là một trong các nhân tố khiến cho thị trường chứng kiến những nhịp dao động mạnh trong năm nay.

Được biết, năm 2014, mặc dù khối ngoại vẫn tiếp tục mua ròng trong cả năm, tuy nhiên, trong những tháng cuối năm họ có xu hướng bán ròng mạnh trở lại. Vậy theo ông năm 2015, thị trường chứng khoán Việt Nam có còn là "điểm đến" hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài hay không?

Bước sang năm 2015, bức tranh kinh tế thế giới chưa có nhiều khởi sắc trong đó nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu. Trong các báo cáo gần đây, IMF liên tiếp hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu do việc giảm tốc của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, ngoại trừ Mỹ, như Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trong khi đó, FED nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất từ nửa cuối năm 2015, từ đó làm tăng rủi ro tỷ giá khi đầu tư tại các thị trường ngoài Mỹ. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi quyết định giải ngân vào các thị trường biên và mới nổi với tính rủi ro cao, trong đó có Việt Nam. Điều này có thể khiến dòng vốn ngoại vào thị trường hạn chế hơn so với giai đoạn trước.

Mặc dù vậy, tôi kỳ vọng 2015 sẽ tiếp tục là năm mua ròng tốt của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi:

(1) Từ phía trong nước: (i) chính trị ổn định; (ii) nền kinh duy trì sự ổn định và đang phục hồi đúng hướng; (iii) thiên tai không quá thường xuyên và ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh tế; (iv) quá trình đàm phán các hiệp định thương mại lớn, đặc biệt là TPP, nếu diễn biến thuận lợi sẽ giúp tăng triển vọng của nền kinh tế và từ đó tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán và (v) dự luật nới room cho công ty chứng khoán và các doanh nghiệp niêm yết, nếu sớm được thông qua, cũng sẽ tạo ra động lực không nhỏ, góp phần thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài tại các cổ phiếu hiện đã hết hoặc gần hết room ngoại.

(2) Từ phía thế giới: mặc dù các nền kinh tế lớn trên thế giới đứng trước nguy cơ giảm tốc nhưng ngược lại Chính phủ những nước này đã và đang đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế. Điều này sẽ giúp hiệu ứng “dòng vốn rẻ” trên thế giới tiếp tục được duy trì đồng thời, tăng trưởng có thể sẽ dần phục hồi trở lại, đẩy lùi nỗi lo suy thoái kinh tế khi các biện pháp kể trên phát huy hiệu quả sau độ trễ thời gian trước đó.

Các cổ phiếu dầu khí đã lao dốc khá mạnh vào những tháng cuối năm 2014 do ảnh hưởng tiêu cực từ giá dầu thế giới. Ông có thể đưa ra những đánh giá về nhóm cổ phiếu này trong năm 2015?

Dựa theo triển vọng giá dầu trong năm 2015, tôi cho rằng nhóm cổ phiếu Dầu khí vẫn sẽ chưa có chuyển biến tốt lên trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhịp lên xuống của giá dầu thế giới sẽ tạo cơ hội lướt sóng cho các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm tại các cổ phiếu này.

Theo ông, dòng cổ phiếu nào có thể dẫn dắt thị trường trong năm 2015?

Trong năm 2015, tôi kỳ vọng nhóm blue-chips sẽ phân hóa cao. Vai trò trụ cột của nhóm Dầu khí nhiều khả năng sẽ nhường lại cho các blue-chips thuộc ngành khác, từ đó tạo ra cơ hội không nhỏ cho các nhà đầu tư trong năm tới.

Trong đó nhóm cổ phiếu Ngân hàng, theo tôi, là một ứng cử viên sáng giá khi nhóm cổ phiếu này có không ít ưu thế như (1) có vốn hóa thị trường đủ lớn để chi phối rổ chỉ số và tác động lớn đến các nhóm cổ phiếu còn lại; đồng thời (2) liên tục nhận được các thông tin chính sách hỗ trợ tích cực trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đẩy mạnh.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành khác như Xây dựng cơ sở hạ tầng, Xuất khẩu, Hóa chất và Kho vận, do tính chất đặc thù và được hưởng lợi từ giá dầu hay các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ, nhiều khả năng cũng sẽ nổi bật.

Xin cám ơn ông!