Ngành nào bị tác động khi FED tăng lãi suất?

(NDH) BSC cho rằng các ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may và công nghệ sẽ được hưởng lợi từ việc USD tăng giá và FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Dựa trên các thống kê trong lịch sử và phân tích về phản ứng của các ngành trong điều kiện tương tự (USD tăng giá và FED thắt chặt chính sách tiền tệ), CTCK Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận thấy thị trường đã ở vùng hấp dẫn, và đang cần 1 thông tin hỗ trợ đủ mạnh.

BSC nhận thấy, mỗi khi thiếu vắng các gói nới lỏng định lượng QE các ngành phân hóa khá mạnh, môṭ số ngành phản ứng tốt hơn thi ̣trường chung gồm: CNTT, cảng biển, BĐS, bảo hiểm, ngân hàng, VLXD, xuất bản.

Xét trên góc độ các ngành hưởng lợi từ tỷ giá tăng gồm nhóm ngành xuất khẩu: Thủy sản, dệt may, công nghệ. Ngược lại, nhóm ngành có khả năng chịu ảnh hưởng tiêu cực là nhóm ngành nhập khẩu như dược, nhựa, săm lốp và nhóm ngành có mức độ vay nợ ngoại tệ lớn như điện, vận tải biển, xi măng.

Ngành hưởng lợi

Đối với ngành thủy sản, BSC cho biết các doanh nghiệp này chủ yếu xuất khẩu sang Hoa kỳ, EU và Đông Á. Các cổ phiếu đáng chú ý là VHC, FMC, IDI, HVG.

Về ngành dệt may, BSC cho rằng doanh thu xuất khẩu nhóm doanh nghiệp này tăng, trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn (do Nhân dân tệ giảm giá). Các cổ phiếu lưu ý gồm TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE.

BSC cũng đánh giá tích cực đối với các doanh nghiệp ngành công nghệ do danh thu của nhóm doanh nghiệp này, trong đó có mảng dịch vụ gia công phần mềm, thường được chi trả bằng USD. Các cổ phiếu lưu ý: FPT, CMG.

Ngành bị ảnh hưởng tiêu cực

BSC đánh giá tiêu cực với các doanh nghiệp dược phẩm. Nguyên nhân cơ bản là chi phí đầu vào của nhóm doanh nghiệp này phụ thuộc chặt chẽ vào sự biến động của tỷ giá trong bối cảnh 90% nguyên liệu dược phải nhập khẩu. Trong khi đó, thị trường đầu ra chủ yếu là trong nước, tương ứng với doanh thu là VND. Các cổ phiếu lưu ý: DHG, IMP, DMC, DCL, DBT, DHT, SPM.

Đối với ngành săm lốp, không tính cao su tự nhiên, phần nguyên liệu sản xuất còn lại trong ngành săm lốp, chiếm 66% chi phí sản xuất kinh doanh, buộc phải nhập khẩu. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước, chỉ có số ít được xuất đi nước ngoài. Các cổ phiếu lưu ý: SRC, CSM, DRC

Về ngành nhựa, tương tự như dược, 80% nguyên liệu hạt nhựa phải nhập khẩu, tỷ trọng tiêu thụ thành phẩm trong nước lớn. Các cổ phiếu lưu ý: AAA, BMP, NTP, DAG, VBC, DNP, RDP, TPC.

Ngoài ra, BSC cũng đánh giá tăng mức độ tiêu cực đối với các doanh nghiệp nhiệt điện và xi măng. Hầu hết các doanh nghiệp nhiệt điện và xi măng đều có dư nợ bằng ngoại tệ lớn. Việc VND bị mất giá không những làm giảm doanh thu tài chính từ lãi chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp này, thậm chí còn có thể khiến các doanh nghiệp phải ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá. Các cổ phiếu lưu ý: HT1, BCC, BTS, NT2, PPC; BTP, VOS, PVT, VTO.