Theo báo cáo mới đây của CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), triển vọng tăng trưởng của ngành bảo hiểm hiện nay đang được đánh giá khá cao.
Ngành Bảo hiểm phục hồi cùng kinh tế Vĩ mô. Khi kinh tế khởi sắc, đầu tư xây dựng và sản xuất tăng trực tiếp kéo theo nhu cầu về bảo hiểm tài sản và thiệt hại. Kết quả kinh doanh thuận lợi của các doanh nghiệp dẫn đến sức tăng thu nhập bình quân đầu người của người dân, làm tăng nhu cầu về bảo hiểm xe cộ và nhu cầu về bảo hiểm sức khỏe và thiệt hại. Những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam tạo một tiền đề thuận lợi cho sự đi lên về doanh thu của ngành bảo hiểm trong vòng 1-2 năm tiếp theo
Mức độ thâm nhập Bảo hiểm phi nhân thọ của Việt Nam vẫn chỉ ở mức 0,7%. Theo thống kê của McKinsey, Mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của các thị trường mới nổi là hơn 1% và Mức độ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ của các Thị trường phát triển đang ở mức bão hòa là 2,3%. Như vậy, dư địa thị trường vẫn còn lớn do còn nhiều phân khúc thị trường chưa khai thác hết, đây là cơ hội cho ngành Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng mạnh.
Các hiệp định thương mại tư do được ký kết sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thu hút nguồn FDI vào Việt Nam và qua đó làm gia tăng nhu cầu đối với các sản phẩm bảo hiểm như bảo hiểm hàng hóa vận chuyển, tàu thủy, ôtô,…Quy định Luật pháp về bảo hiểm chặt chẽ hơn. Các quy định theo hướng giúp làm minh bạch hơn hoạt động bảo hiểm và tránh việc cạnh tranh phí làm san bằng lợi nhuận của các công ty.
Bên cạnh đó, cải thiện hiệu suất đầu tư từ sự phục hồi của TTCK sẽ kéo theo sự tăng giá của các cổ phiếu trong danh mục của các công ty bảo hiểm và sự thay đổi trong cơ cấu theo hướng gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nhằm cải thiện hiệu suất đầu tư.
Ngành Bảo hiểm phi nhân thọ nhạy cảm với chu kỳ của nền kinh tế, đây cũng là nhóm ngành cuối cùng trong Phân ngành Tài chính chưa phục hồi mạnh mẽ như nhóm cổ phiếu ngành Ngân hàng, chứng khoán và BĐS. Khi nền kinh tế đi vào chu kỳ suy thoái, thu nhập, tiêu dùng, sản xuất giảm dẫn tới đầu tư tài sản cũng giảm, do đó làm hạn chế nhu cầu sử dụng Bảo hiểm con người và Bảo hiểm tài sản. Khi kinh tế phục hồi thì một chu kỳ ngược lại diễn ra.
BSC cho rằng KQKD của các doanh nghiệp Bảo hiểm Phi nhân thọ sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh trong các năm tới do sự phục hồi kinh tế và mức độ thâm nhập bảo hiểm tăng dần. BSC ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có thị phần lớn trong một hoặc nhiều mảng bảo hiểm; Hiệu quả hoạt động kinh doanh chính khả quan; Danh mục đầu tư sinh lời tốt; Mạng lưới bán hàng phủ rộng.